LÀM THẾ NÀO KHI THẤY DỊ VẬT TRONG MŨI| Wellbeing
BS Nguyễn Hoàng Nguyên – Điều phối dự án Sơ cấp cứu Tổ chức
Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Dị vật trong mũi thường gặp ở lứa tuổi từ 1 – 6 tuổi. Do tò mò muốn khám phá cơ thể là quy luật tự nhiên trong sự phát triển, trẻ em có thể tinh nghịch tự nhét các vật nhỏ vào mũi hoặc do bạn nhét vào mũi mình. Sau đó, trẻ vui chơi mà quên mất dị vật trong mũi, dẫn đến việc mũi bị viêm nhiễm hoặc loét. Phát hiện dị vật trong mũi sớm và xử trí kịp thời sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
1. Dị vật trong mũi biểu hiện như thế nào?
Dị vật trong mũi thường gặp ở trẻ từ 1 – 6 tuổi, ít khi gặp ở trẻ dưới 9 tháng tuổi do phản xạ cầm nắm ở lứa tuổi này chưa phát triển. Di vật trong mũi thường gặp là các loại hạt nhỏ như hạt na, hạt lạc; các loại đồ chơi như mảnh lego; và một dị vật trong mũi rất nguy hiểm đó là pin tròn. Trẻ nhỏ khi nhét pin tròn vào trong mũi có nguy cơ bị axit của pin làm loét niêm mạc mũi, chảy máu, thủng vách ngăn mũi. Bên cạnh đó, các dị vật khác ít gặp hơn có thể là giấy ăn, bông…
Khi hỏi trẻ nhỏ về việc cho dị vật vào mũi, cần nhẹ nhàng và không trách mắng vì rất có thể trẻ sẽ chối bỏ việc cho dị vật vào mũi từ đó dẫn đến chậm phát hiện dị vật. Hãy nghĩ đến dị vật trong mũi khi một người có những biểu hiện sau:
- Khó thở hoặc thở phì phò qua mũi
- Sưng mũi
- Liên tục chảy nước ở một bên mũi
- Nước mũi có lẫn máu hoặc có mùi có thể là một trong những biểu hiện của dị vật trong mũi một thời gian dài.
2. Xử trí như thế nào nếu thấy có dị vật trong mũi?
Hầu hết những dị vật trong mũi không gây nguy hiểm tính mạng. Do đó hãy bình tĩnh khi thấy người lớn hoặc trẻ em có những biểu hiện trên và xử trí theo nhưng bước sau:
Bước 1: Cố gắng giữ nạn nhân yên lặng và bình tĩnh. Yêu cầu nạn nhân thở bằng miệng với nhịp thở bình thường
Bước 2: Sắp xếp đưa nạn nhân đến bệnh viện để nhân viên y tế có thể lấy dị vật ra dễ dàng.
Lưu ý: Khuyên nạn nhân không cố gắng ngoáy mũi để lấy dị vật ra vì có thể đẩy dị vật vào sâu bên trong đường thở. Không nên nấy dị vật cho dù chúng ta có thể nhìn thấy nó.
3. Hạn chế dị vật trong mũi bằng cách nào?
Đối với trẻ em:
- Hãy dạy trẻ rằng bất cứ vật gì nhét vào mũi cũng là nguy hiểm để trẻ có thể tự phòng tránh dị vật trong mũi
- Nếu thấy trẻ đưa vật gì đó vào mũi, hãy nhẹ nhàng và không phán xét trẻ. Làm như vậy thì dị vật mới có thể phát hiện sớm và lấy ra trước khi có tổn thương thứ phát
Đối với người lớn:
- Hãy luôn ghi nhớ những lần vệ sinh mũi, tránh để quên khi bông hoặc giấy có thể sót lại sau mỗi lần vệ sinh.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây