Các khóa học đã đăng ký

Chảy máu ngoài ồ ạt và hướng dẫn xử trí khẩn cấp| Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Chảy máu ngoài ồ ạt là một tình trạng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của nạn nhân. Máu chảy ồ ạt sẽ dẫn tới sốc do giảm thể tích tuần hoàn, điều này khiến cho nạn nhân nhanh chóng mất ý thức và tử vong. Nhanh chóng cầm máu cho nạn nhân là ưu tiên hàng đầu của bạn

Chảy máu ngoài ồ ạt có nguyên nhân từ đâu

Chảy máu ngoài ồ ạt là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch một cách ồ ạt, không thể cầm máu. Các trường hợp chảy máu ngoài ồ ạt có thể kể đến là những vết thương động mạch, những chấn thương vùng mặt, chảy máu mũi do tăng huyết áp, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản ở những người bị bệnh gan… 

Máu chảy từ miệng hoặc mũi có thể ảnh hưởng tới đường thở, nạn nhân khi nuốt một lượng lớn máu vào trong dạ dày có thể dẫn đến phản xạ nôn. Nếu nôn quá nhiều không được kiểm soát, nạn nhân có thể bị ngừng tim. 

Những vết thương động mạch có thể gặp ở động mạch cảnh (cổ) hoặc động mạch cánh tay (cổ tay). Máu chảy từ những vết thương này phun thành tia và theo nhịp đập của động mạch. Vết thương động mạch sẽ khiến nạn nhân nhanh chóng mất máu và đi vào tình trạng sốc nếu không được sơ cấp cứu kịp thời.

Nếu lượng máu mất quá 1/5 lượng máu trung của cơ thể, tương đương 0,8 – 1 lít máu, thì nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái sốc với các biểu hiện: mạch nhanh, da nhợt, lạnh ẩm và vã mồ hôi. Nếu mất trên 2 lít, có thể không bắt được động mạch ở cổ tay, nạn nhân dần dần bất tỉnh, thở chậm và cuối cùng là ngừng tim.

Sơ cấp cứu chảy máu ngoài ồ ạt như thế nào?

Mục tiêu của bạn đó là kiểm soát sự chảy máu, ngăn ngừa và giảm thiểu ảnh hưởng của sốc, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và bố trí để nhanh chóng vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện. Thực hiện theo các bước sau đây để có thể trấn an nạn nhân và sơ cấp cứu cho họ.

Bước 1: Dùng ngón tay ấn trực tiếp lên vết thương thông qua gạc vô khuẩn hoặc vải sạch (không có sơ). Nếu như không có vải sạch hoặc gạc vô khuẩn, hướng dẫn nạn nhân nhanh chóng ấn ngón tay lên vết thương.

Bước 2: Bản thân hoặc nhờ người hỗ trợ gọi 115. Miêu tả kỹ về vị trí vết thương và mức độ chảy máu của nạn nhân cho nhân viên y tế.

Bước 3: Giữ chắc miếng gạc bằng cách băng vừa đủ chặt để duy trì lực ép, nhưng không quá chặt dẫn đến thiếu máu ở vị trí dưới vết thương.

Bước 4: Trong trường hợp nạn nhân bắt đầu có dấu hiệu sốc, giúp nạn nhân nằm xuống một tấm thảm hoặc. Nâng và đỡ chân nạn nhân cao hơn tim. 

Bước 5: Nếu máu thấm qua miếng gạc thứ nhất, đặt miếng gạc thứ hai lên trên và sau đó băng lên cả hai miếng gọc. Nếu máu thấm qua miếng gạc thứ thì bỏ cả hai miếng và băng lại. Hãy băng chính xác lên vị trí bị chảy máu

Bước 6: Ghi lại dấu hiệu sinh sống của nạn nhân bao gồm nhịp thở, nhịp mạch và ý thức của nạn nhân trong thời gian chờ xe cứu thương tới. Trấn an nạn nhân, giúp họ bình tĩnh có thể giúp giảm tiến triển của sốc.

Trường hợp đặc biệt: Có dị vật trong vết thương

Đối với dị vật trong vết thương, tuyệt đối không lấy dị vật ra vì có thể khiến cho vết thương chảy ồ ạt. Hãy xử trí theo các bước sau:

Bước 1: Cầm máu bằng cách ấn chặt lên hai phía của dị vật để đẩy miệng vết thương sát vào nhau. Không ấn trực tiếp lên vết thương hoặc dị vật.

Bước 2: Băng bó vết thương bằng cách đắp một tấm gạc lên dị vật, sau đó lót gạc đệm lên từng phía của dị vật, sau đó cẩn thận băng trùm lên cả dị vật và gạc.

Bước 3: Gọi cấp cứu 115 và theo dõi các dấu hiệu sống của nạn nhân, trấn an nạn nhân trong khi xe cứu thương đến.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay