Các khóa học đã đăng ký

Chảy máu mũi – xử trí đơn giản và dễ dàng | Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Chảy máu mũi thường tự phát và lành tính. Tuy nhiên, chảy máu mũi cũng có thể là kết quả của các chấn thương vùng mặt, huyết áp cao và rối loạn đông máu. Trong trường hợp chảy máu mũi ồ ạt, máu có thể chảy xuống cổ họng và gây nôn. Sơ cấp cứu chính xác sẽ giúp cầm máu nhanh chóng và hạn chế biến chứng do chảy máu vào đường thở.

1. Chảy máu mũi bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

Mũi là một cơ quan của đường hô hấp trên, bao gồm hai lỗ mũi trước, hai lỗ mũi sau và các xoăn mũi trên, xoăn mũi giữa và xoăn mũi dưới. Dọc đường đi của các xoăn mũi được lớp bởi mạch máu và các màng tiết chết nhầy, các màng này sẽ giữ lại bụi bẩn trước khi đi sâu vào mũi.

Một nạn nhân bị chảy máu mũi thường là tự phát và lành tính, thường là do các mạch máu nhỏ trong lỗi mũi bị vỡ vì ngoáy mũi, xì mũi, hắt xì hoặc do bị đánh vào mũi. Máu có thể chảy ra ngoài qua 2 lỗ mũi trước, cũng có thể sẽ chảy ra sau và xuống họng qua 2 lỗ mũi sau. Chảy máu mũi cũng có thể là kết quả của các chấn thương vùng mặt, huyết áp cao hoặc rối loạn đông máu. Trong trường hợp chảy máu mũi ồ ạt, máu có thể chảy xuống cổ họng và gây nôn. 

Chảy máu mũi ồ ạt có thể xảy ra sau một tổn thương vùng đầu, nếu máu này loãng và giống nước thì báo hiệu một tình trạng nguy hiểm đang xảy ra. Đó là xương sọ đã bị vỡ và dịch đang rò từ khu vực quanh não chảy ra ngoài thông qua mũi.

2. Xử trí trường hợp chảy máu mũi đơn giản và hiệu quả.

Mục tiêu của bạn: Duy trì đường thở thông thoáng và kiểm soát chảy máu

Các bước xử trí khi gặp nạn nhân bị chảy máu mũi:

- Bước 1: Hướng dẫn nạn nhân ngồi xuống và cúi đầu về phía trước để máu có thể chảy ra từ lỗ mũi trước. Hướng dẫn nạn nhân thở bằng miệng (động tác này cũng giúp nạn nhân bình tĩnh lại) và dùng hai ngón tay ép hai cánh mũi lại trong 10 phút. Trấn an và hỗ trợ nạn nhân nếu cần thiết

- Bước 2: Khuyên nạn nhân không nói, nuốt, ho, khạc nhổ hoặc ngửi vì động tác này có thể làm cục máu đông trong mũi bị bật ra. Đưa nạn nhân một tấm vải hoặc khăn giấy sạch để lau và thâm máu chảy ra.

- Bước 3: Sau 10 phút, hướng dẫn nạn nhân thả lỏng tay đang ép hai cánh mũi. Nếu máu chưa ngừng chảy, yêu cầu nạn nhân tiếp tục dùng tay ép hai lần nữa, mỗi lần khoảng 10 phút.

- Bước 4: Khi máu đã ngừng chảy, hướng dẫn nạn nhân cúi người về phía trước rồi làm sạch quanh mũi bằng nước ấm. Khuyên nạn nhân nghỉ ngơi yên tĩnh trong vài giờ. Tránh vận động mạnh và đặc biệt không được xì mũi vì sẽ làm bung cục máu đông gây ra chảy máu.

- Bước 5: Nếu máu đã ngừng chảy lại chảy lại, hãy giúp nạn nhân tiếp tục ép lên mũi.

- Bước 6: Nếu chảy máu mũi nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 30 phút, hãy đưa hoặc gửi nạn nhân tới bệnh viên.

Chú ý: Không để nạn nhân ngửa đầu ra sau vì máu có thể chảy ngược xuống cổ họng và gây nôn.

3. Trường hợp đặc biệt – chảy máu mũi ở trẻ nhỏ

Đối với trẻ, chúng có thể sợ hãi khi thấy mũi bị chảy máu. Hướng dẫn trẻ cúi người về phía trước, kẹp mũi giúp trẻ, trấn an trẻ và đưa trẻ một chiếc bát để nhỏ vào hoặc hứng máu.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay