Các khóa học đã đăng ký

Cha mẹ hãy nhớ kỹ các nguyên tắc chung khi sơ cấp cứu bỏng cho trẻ | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Bỏng là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ nhỏ bởi đây là lứa tuổi hiếu động, tò mò khám phá thế giới xung quanh mà chưa ý thức được về những nguy hiểm có thể gặp phải. Tuy nhiên bỏng lại có nhiều cấp độ khác nhau và mỗi cấp độ lại có những nguy hiểm khó lường đòi hỏi cha mẹ phải nhận biết được để có những sơ cứu đúng cách ban đầu.

1. Bỏng là gì?

Bỏng hay phỏng là hiện tượng bề mặt da hoặc các mô khác bị tổn thương do nhiệt, hóa chất, điện hay bức xạ...Bỏng không chỉ đơn thuần là cảm giác bỏng, nóng rát mà còn có thể là những tổn thương da nghiêm trọng khiến những tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc chết đi.

2. Nguyên nhân gây bỏng ở trẻ

Các nguyên nhân gây bỏng ở trẻ phần lớn thường do:

- Bỏng do nước sôi. Đây là nguyên nhân gây bỏng cho trẻ chiếm tỷ lệ cao theo thống kê tại các cơ sở y tế.

- Bỏng do đồ ăn nóng, dầu sôi

- Bỏng do nghịch lửa

- Bỏng do động vào các đồ vật nóng như nồi canh, ấm đun nước, bàn là ủi...

- Bỏng do các loại hóa chất như keo dán sắt, chất tẩy rửa...

3. Các dấu hiệu nhận biết tình trạng bỏng ở trẻ

Để sơ cứu các vết thương bỏng đúng cách, cha mẹ cần nhận diện được các dấu hiệu nhận biết được tình trạng bỏng tương ứng với các mức độ bỏng khác nhau. Dựa trên những thương tổn trên da sẽ có 3 cấp độ thường gặp của bỏng:

  • Bỏng cấp độ 1: Da bị tấy đỏ, chưa có sự bong tróc da

  • Bỏng cấp độ 2: Xuất hiện phồng rộp, bề mặt da có mụn nước

  • Bỏng cấp độ 3: Da chuyển màu trắng và diện tích bề mặt da bị phồng rộp lớn

Bình thường những vết thương bỏng của trẻ sẽ rơi chủ yếu vào 3 cấp độ trên. Tuy nhiên, ở những trường hợp đặc biệt, bỏng ở mức độ nghiêm trọng không chỉ có toàn bộ triệu chứng của bỏng độ 3 mà còn gây ra những tổn thương ở thành xương và gân.

Trong đó mỗi cấp độ bỏng lại có những đặc điểm nhận biết cụ thể sau:

3.1 Bỏng cấp độ 1

Đây là cấp độ đầu tiên của bỏng và bỏng ở cấp độ này thường ít nguy hiểm và tổn thương nhất. Dấu hiệu nhận biết vết bỏng của trẻ ở cấp độ này là:

- Da bị tấy đỏ nhẹ và đau rát

- Chưa xuất hiện phồng rộp và mụn nước

- Vết bỏng nhanh lành và không để lại sẹo

Với bỏng ở cấp độ 1, cha mẹ có thể tự chăm sóc và điều trị cho trẻ bằng những phương pháp đơn giản tại nhà và thường khỏi sau 3-5 ngày.

3.2 Bỏng cấp độ 2

Bỏng cấp độ 2 còn gọi là bỏng dày khu trú. Bỏng ở mức độ này nghiêm trọng hơn mức độ 1, vùng tổn thương sẽ không chỉ là lớp da biểu bì trên cùng với các biểu hiện:

- Da bị tấy đỏ 

- Da xung quanh vết bỏng trở nên trắng khi ấn rồi lại trở về đỏ

- Vết bỏng đau rát và có phồng rộp, sưng kéo dài ít nhất 48h nhưng không vỡ

Với bỏng ở cấp độ 2, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để theo dõi và xử lý. Vết bỏng ở cấp độ này thường sẽ mất khoảng 1- 4 tuần để lành.

3.3 Bỏng cấp độ 3

Bỏng cấp độ 3 là bỏng ở mức độ nặng nhất gây đau rát và tổn thương tất cả các lớp của da, thậm chí các lớp mỡ, cơ và xương cũng bị ảnh hưởng. Bỏng ở cấp độ này thường có những biểu hiện sau:

- Tổn thương toàn bộ bề dày của da, không có bóng nước vì lớp trên cùng của da đã bị phá hủy

- Vùng da bị bỏng có màu trắng hoặc cháy xém và bắt đầu tổn thương sâu tới cơ và xương

- Để lại sẹo ngay cả khi đã điều trị đúng.

Với bỏng ở cấp độ 3, hãy gọi cứu thương hoặc lập tức đưa trẻ tới bệnh viện và các cơ sở y tế để có thể điều trị đúng cách và kịp thời.

4. Các nguyên tắc chung khi sơ cấp cứu bỏng cho trẻ

Nếu cha mẹ và người chăm sóc trẻ phát hiện trẻ bị bỏng, dù nặng hay nhẹ bạn cũng tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Đưa trẻ khỏi nguồn gây bỏng để đảm bảo an toàn cho trẻ và trấn an trẻ

- Kiểm tra xem ngoài bị bỏng, trẻ còn có những chấn thương hay vết thương nào khác không

- Nhanh chóng làm mát vết bỏng cho trẻ bằng cách ngâm vết bỏng trong nước mát hoặc xả nhẹ nhàng nước mát trực tiếp lên vết bỏng trong 10-20 phút.

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng đá, nước đá lạnh, mỡ trăn, các loại lá… đắp trực tiếp lên vết bỏng của trẻ.

- Đánh giá tình trạng của vết bỏng để có thể điều trị cho trẻ tại nhà hoặc đưa trẻ tới cơ sở y tế tùy vào mức độ nặng, nhẹ.


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay