Các khóa học đã đăng ký

Trẻ nuốt phải hóa chất – cha mẹ phải xử trí thế nào? | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Số trẻ nuốt phải hóa chất dẫn tới nhập viện có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây . Nếu nghi ngờ trẻ nuốt phải chất độc, hãy cố gắng tìm ra đó là chất độc gì, trẻ nuốt phải khi nào và khoảng bao nhiêu. Lưu ý rằng, một số loại hóa chất có thể sinh ra khí nguy hiểm. Khi trẻ gặp phải tình huống này, nhiều cha mẹ thường lung túng, không biết xử lý sao hoặc có những xử trí sai khiến hậu quả trầm trọng hơn.

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ nuốt phải hóa chất

Chúng ta đều biết trẻ nhỏ là lứa tuổi hiếu động, tò mò và thích khám phá mọi thứ xung quanh trong khi chưa nhận thức được về những nguy hiểm có thể gặp phải. Vì nguyên nhân đó trẻ rất dễ nuốt phải hóa chất trong quá trình chơi hoặc sinh hoạt ở nhà nếu những hóa chất không đặt xa tầm tay trẻ hoặc không có sự trông nom từ người lớn.

Các loại hóa chất trẻ dễ nuốt phải thường là dầu hỏa, xăng, chất diệt cỏ, dung dịch cọ rửa, axit… Khi nuốt phải hóa chất, trẻ thường có những biểu hiện sau:

- Đau họng

- Buồn nôn và nôn

- Ho sặc sụa

- Môi và lưỡi đều sưng đỏ, phồng rộp và chảy máu

- Đau vùng thượng vị và lan ra nhiều vùng khác trên cơ thể

- Vùng miệng có thể sẽ bị lở loét nếu uống phải những hóa chất có tính ăn mòn, chất tẩy

Tùy thuộc vào nồng độ của hóa chất nặng hay nhẹ mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau.

2. Các bước sơ cứu trẻ nuốt phải hóa chất

Nếu xác định được trẻ đã nuốt phải hóa chất, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy tiến hành sơ cứu theo các bước sau đây:

- Giữ bình tĩnh và tránh hoảng loạn. Vì chỉ khi bình tĩnh, bạn mới có thể xử trí được một cách chính xác.

- Lau sạch phần còn lại của hóa chất xung quanh miệng trẻ.

- Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nước lạnh hoặc sữa để làm mát môi trẻ nếu môi bị bỏng bởi chất ăn mòn hoặc tẩy màu.

Chú ý: Đừng cố bắt trẻ nôn ra vì có thể gây thêm nguy hiểm. Khi gây nôn cho trẻ, hóa chất đưa ra ngoài sẽ khiến hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản làm gia tăng mức độ ngộ độc và gây bỏng thực quản. Khi nuốt phải hóa chất,, trẻ sẽ dễ bị viêm phổi do hơi của hóa chất xâm nhập vào đường hô hấp.

- GỌI CỨU THƯƠNG

- Tìm hiểu xem trẻ đã nuốt phải loại hóa chất gì và nuốt khi nào, nuốt bao nhiêu, rồi gọi điện báo cho nhân viên y tế và giữ lại vỏ hóa chất để báo lại cho nhân viên y tế nếu cần. Thông tin này sẽ giúp họ xác định được hướng điều trị.

3. Lưu ý

- Nếu thấy trẻ bất tỉnh sau khi nuốt hóa chất, hãy mở đường thở và kiểm tra nhịp thở. Trường hợp trẻ còn thở, bạn đặt trẻ ở tư thế hồi phục; nếu không còn thở, hãy hồi sức tim phổi ngay lập tức.

- Nếu bạn cần hô hấp nhân tạo cho trẻ nhưng miệng trẻ còn dính hóa chất, hãy bảo vệ bản than bằng cách sử dụng mặt nạ thổi ngạt.

4. Phòng tránh trẻ nuốt phải hóa chất

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy thực hiện những điều sau để phòng tránh trẻ nuốt phải hóa chất:

- Không đựng hóa chất trong những vỏ chai không có nhãn mác hoặc vỏ các chai nước uống như Lavie, trà C2…

- Để xa tầm tay trẻ các loại thuốc và hóa chất. Nếu được hãy để chúng trong các hộp riêng, có khóa cẩn thận.

- Không để đồ uống được vào những chai lọ trước đó đã dùng để hóa chất.

- Không để chung thuốc uống được với các loại thuốc sát khuẩn…

- Dạy trẻ nhận biết dung dịch uống được và không uống được.


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay