Các khóa học đã đăng ký

Bố mẹ cần sơ cấp cứu thế nào nếu trẻ có dị vật ở mắt (P1) | Wellbeing

BS Lưu Thị Minh Trang – Chuyên viên tập huấn Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing

Đối với trẻ em, các sợi lông nhỏ hoặc bụi vướng trên bề mặt của mắt có thể gây khó chịu. Tuy nhiên, mọi tác nhân trên bề mặt của mắt nếu không dính chặt hoặc đâm xuyên qua nhãn cầu thì nhìn chung đều dễ dàng rửa trôi đi được. Tuy vậy, đối với từng vị trí có dị vật khác nhau sẽ có những cách xử trí khác nhau. Bố mẹ hãy cố ngăn trẻ dụi mắt và làm theo các hướng dẫn dưới đây của chuyên viên Wellbeing để nhanh chóng giúp trẻ loại bỏ dị vật ra khỏi mắt.

1. Những tác nhân nào có thể trở thành dị vật ở mắt của trẻ:

Trường hợp dị vật ở mắt của trẻ có thể không gây nguy hiểm nhưng lại gây sự khó chịu nhiều đến trẻ. Và ảnh hưởng đến chức năng nhìn cũng như các hoạt động thường ngày. Các loại dị vật phổ biến bố mẹ có thể gặp:

  • Lông mi

  • Gỉ mắt

  • Mùn cưa

  • Các loại bụi

  • Mỹ phẩm (bụi của các loại phấn mắt)

  • Kính áp tròng

  • Hạt kim loại

  • Mảnh thủy tinh

2. Trẻ sẽ có những biểu hiện như thế nào khi bị dị vật ở mắt:

Các biểu hiện có thể rất khác nhau, thậm chí không có biểu hiện rõ ràng nếu dị vật nhỏ và nằm nông ở giác mạc mắt. Bố mẹ sẽ thường gặp ở trẻ những biểu hiện sau nếu có dị vật ở mắt trẻ:

  • Mắt trẻ đỏ lên

  • Trẻ than phiền hoặc quấy khóc do cảm giác căng tức, cộm, khó chịu ở mắt

  • Nhìn thấy nhòe

  • Chảy rất nhiều nước mắt

  • Đặc biệt đau hoặc khó chịu khi nhìn vào nguồn ánh sáng

  • Mí mắt co giật, nháy mắt liên tục

Dị vật đâm sâu vào nhãn cầu xảy ra hiếm hơn, thường do tác động mạnh và với tốc độ cao. Những trường hợp này thường do vụ nộ hoặc tai nạn trong quá trình lao động: hàn cắt kim loại, chẻ củi, đập gỗ,… vì vậy tương đối hiếm gặp ở đối tượng trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu có xảy ra, cách sơ cấp cứu tai nạn này cũng sẽ rất khác, bố mẹ cần lưu ý.

3. Những lưu ý đặc biệt khi sơ cấp cứu cho trẻ có dị vật trong mắt:

Bố mẹ hãy lưu tâm những điều sau để hỗ trợ con hiệu quả nhất trong trường hợp có dị vật trong mắt. Quan trọng nhất là trấn an, khuyến khích trẻ không cử động mắt và cố gắng ngăn trẻ dụi mắt. Ngoài ra:

  • Không chạm hoặc cố gắng loại bỏ dị vật đã dính hoặc ghim sâu vào mắt. Hãy đưa trẻ đi viện ngay để được kiểu tra và xử trí chuyên sâu.

  • Nếu mắt vẫn đỏ hoặc đau sau khi đã lấy dị vật ra. Bố mẹ cũng hãy đưa trẻ đến viện để kiểm tra xem có tổn thương nào đi kèm hoặc tổn thương sâu nào khác không.

  • Đối với các dị vật không thể lấy ra được. Bố mẹ khuyến khích trẻ giữ nguyên mắt, cố gắng không đưa mắt nhìn xung quanh, hạn chế chớp mắt, sau đó che mắt bị tổn thương bằng một tấm băng y tế vô khuẩn bản rộng (rất dễ tìm mua tại các hiệu thuốc dân sinh). Động viên trẻ trong quá trình bố mẹ đưa trẻ tới bệnh viện.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay