Bố mẹ cần sơ cấp cứu thế nào nếu trẻ có dị vật ở mắt (P2) | Wellbeing
BS Lưu Thị Minh Trang – Chuyên viên tập huấn Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing
Dị vật trong mắt không phải hiếm gặp, kể cả ở trẻ nhỏ hay người lớn, hay gặp nhất là bụi, các sợ long nhỏ hoặc thậm chí là các côn trùng nhỏ. Thường những dị vật này chỉ nằm trên bề mặt của giác mạc mắt gây khó chịu nhưng thường là tương đối dễ rửa trôi đi bằng nước. Nếu trẻ chớp mắt nhiều mà vẫn không đẩy được dị vât ra ngoài, trẻ có thể hoang mang và dùng tay dụi mắt. Tuy nhiên, điều này không có lợi, vì thế bố mẹ hãy trang bị những kiến thức sơ cấp cứu sau để hỗ trợ con trong những trường hợp có dị vật trong mắt.
1. Xác định vị trí tổn thương trước khi tiến hành các bước sơ cấp:
Dị vật ở mắt có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào, tuy nhiên đối với từng vị trí sẽ có những cách sơ cấp cứu khác nhau. Vì thế trước khi tiến hành tìm hiểu các bước xử trí dị vật trong mắt, bố mẹ cần xác định được vị trí tổn thương do dị vật thông qua việc quan sát hoặc qua lời kể của trẻ.
Các vị trí thường gặp là: mí mắt trên, mí mắt dưới, phần bề mặt của giác mạc (phần lòng trắng). Riêng di vật nằm ở mí mắt trên sẽ có cách xử trí khác với những vị trí còn lại.
2. Dị vật ở mí mắt trên:
Nếu dị vật nằm ở phần này, thường bố mẹ sẽ không quan sát được dễ dàng, chủ yếu dựa vào mô tả của trẻ. Hãy hướng dẫn trẻ thực hiện hoặc tự mình thực hiện theo những bước sau:
Cầm lông mi ở mí mắt trên kéo trùm lên mí dưới. Đối với trẻ nhỏ hơn, bố mẹ phải nâng mi mắt giúp trẻ (nếu cần trước khi làm, hãy lấy khăn quấn quanh người trẻ để trẻ không gạt tay bạn ra).
Di chuyển mí mắt trên nhẹ nhàng sang hai bên để long mi dưới có thể quét sạch dị vật.
Nếu không được, hãy hướng dẫn trẻ chợp mắt trong nước sạch để dị vật trôi ra. Cách này thường chỉ áp dụng hiệu quả với các trẻ lớn, đối với các trẻ nhỏ các con sẽ không tự thực hiện được nên bố mẹ trong trường hợp này hãy đưa con tới bệnh viện để được hỗ trợ.
Chú ý: Không thực hiện cách này nếu dị vật lớn hoặc cứng.
3. Dị vật nằm ở phần giác mạc mắt:
Các thao tác thực hiện những bước sơ cấp cứu với mắt cần được thực hiện nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương thêm cho mắt. Trong quá trình thao tác bố mẹ cần đảm bảo trẻ hợp tác, tránh những hành động như là dụi mắt. Tốt nhất nên có hai người cùng thực hiện, một người làm chính và người còn lại sẽ hỗ trợ giữ cố định trẻ.
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Yêu cầu trẻ ngồi xuống, đối diện một nguồn sáng
Bước 2: Đứng bên cạnh hoặc ngay sau nạn nhân. Nhẹ nhàng tách hai mí mắt nạn nhân bằng hai ngón cái hoặc ngón cái và ngón trỏ. Yêu cầu trẻ nhìn sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới. Kiểm tra tất cả các phần của mắt.
Bước 3: Nếu nhìn thấy dị vật trong lòng trắng của mắt, hãy rửa bằng cách nhỏ nước sạch từ một chiếc ly hay bình nước có tay cầm, hoặc nước nhỏ mắt tiệt trùng nếu có, hay thậm chí có thể thay thế bằng lọ nước muỗi sinh lý. Đặt một chiếc khăn quanh vai trẻ để thấm nước chảy xuống. Giữ mắt trẻ mở to, cho trẻ nghiêng đầu về bên mắt có dị vật và đổ nước từ góc mắt bên trong.
Bước 4: Nếu không thành công, cố gắng lấy dị vật ra bằng một chiếc tăm bông ẩm hoặc một góc khăn tay hay khăn giấy sạch đã được làm ẩm. Nếu vẫn không thể loại bỏ đưỡ dị vật, bố mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện.