Băng cuộn - Đơn giản nhưng không dễ| Wellbeing
Bài viết được viết bởi Phạm Hải Anh | Chuyên viên tập huấn, dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Loại băng này có thể được làm từ sợi bông, gạc, vải co dãn hoặc linen và được cuốn quanh phần tổn thương của cơ thể theo các vòng xoắn. Có ba loại băng cuộn chính
Băng cuộn dệt thoáng được dùng để giữ gạc cố định. Do sợi của chúng được dệt thoáng, chúng cho phép thông khí tốt, nhưng chúng không thể dùng để băng ép chặt lên vết thương để cầm máu hoặc nâng đỡ các khớp.
Băng đỡ tự dính được dùng để nâng đỡ các cơ (và khớp) tổn thương mà không cần ghim hoặc kim băng.
Băng chun được dùng để băng chặt, ép đều giúp hỗ trợ các khớp tổn thương.
1. CÁCH CỐ ĐỊNH BĂNG CUỘN
Có một số cách để cố định đầu tự do của băng cuộn. Bộ dụng cụ sơ cứu thường có sẵn kim băng hoặc băng dính. Một số túi băng bó có kẹp cố định băng. Nếu bạn không có những vật này, bạn có thể gài đầu băng cuộn vào chính phần băng đã cuộn để cố định.
1.1 Băng dính
Đầu tự do của băng cuộn có thể gấp lại và cố định bằng các đoạn băng dính nhỏ.
1.2 Kẹp cố định băng
Các kẹp kim loại thường có trong túi băng chun để giữ cố định hai đầu.
1.3 Gài đầu băng vào đoạn cuối hoặc thắt nút
Nếu bạn không có sẵn vật nào, cố định đầu băng bằng cách cuộn một vòng cuối và gài đầu băng vào hoặc thắt nút cố định
1.4 Kim băng
Kim băng có thể được dùng để cố định mọi loại băng cuộn. Gấp đầu băng xuống dưới, sau đó đặt ngón tay của bạn lên vòng băng trước để tránh bị thương khi dùng kim băng. Chắc chắn là sau khi cố định, kim băng nằm dẹt xuống.
2. CHỌN CỠ BĂNG ĐÚNG
Trước khi băng bó với băng cuộn, kiểm tra xem nó có được cuộn chặt và có chiều rộng phù hợp với vùng tổn thương. Các vùng nhỏ như ngón tay cần băng hẹp với kích thước rộng khoảng 2,5cm, trong khi các băng rộng hơn từ 10-15cm phù hợp hơn với các vùng rộng như chân. Tốt hơn là chọn băng rộng hơn là băng hẹp. Với trẻ em nên dùng các loại băng có kích cỡ nhỏ hơn.
3. CÁCH DÙNG BĂNG CUỘN
Làm theo các bước cơ bản sau đây để băng bó tổn thương bằng băng cuộn.
Giữ phần băng còn đang cuộn lại (phần “đầu”) ở cao nhất khi bạn băng bó. (Phần băng đã được cởi ra được gọi là phần “đuôi”.)
Chọn vị trí của bạn ở trước nạn nhân, phía bên tổn thương.
Nâng đỡ phần tổn thương khi bạn băng bó
Chú ý:
Khi bạn đã băng bó xong, kiểm tra tuần hoàn ở chi phía trên phần băng. Điều này rất quan trọng nếu bạn đang dùng băng co dãn hoặc băng chun vì chúng cuộn theo hình dạng của chi và có thể trở nên quá chặt nếu chi sưng nề.
Các bước thực hiện băng cuộn
B1: Đặt phần đuôi của cuộn băng bên dưới tổn thương. Băng từ phía trong chi ra phía ngoài, băng hai vòng chồng lên nhau để cố định phần đuôi của băng.
B2: Cuốn băng theo hình xoắn ốc từ mặt trong ra mặt ngoài của chi, và dần dần băng hết chi. Vòng băng sau che phủ một nửa cho tới hai phần ba vòng băng trước.
B3: Kết thúc bằng một vòng băng chồng lên vòng băng trước. Nếu băng quá ngắn, băng thêm một cuộn băng nữa tương tự để che phủ hoàn toàn vùng tổn thương.
B4: Cố định đầu tự do của băng, sau đó kiểm tra tuần hoàn phía trên nơi băng bó. Nếu cần thiết, cởi băng ra cho tới khi máu trở lại, và băng bó lại lỏng hơn. Kiểm tra mỗi mười phút.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây