Các khóa học đã đăng ký

TRẺ EM DỄ BỊ BỎNG, TRÁNH NHỮNG SAI LẦM NÀO?

Trẻ hiếu động thích khám phá nên rất dễ gặp các tai nạn thương tích về bỏng. Cha mẹ hãy tránh 5 sai lầm sau khi xử trí bỏng cho trẻ nhé!

#1 Thời gian làm mát vết bỏng không đủ lâu

Với một vết thương bị bỏng dù là ở người lớn hay trẻ em thì chúng ta đều có phản xạ làm lạnh vị trí bị bỏng. Tuy nhiên, rất nhiều người không để ý đến thời gian tối thiểu cần làm lạnh vết thương là bao nhiêu. Chủ yếu là do cảm tính, khi nào hết nóng thì thôi, và đó chưa đủ thời gian để vết bỏng được làm mát, hạn chế cao nhất những tổn thương.

Theo Hiệp hội Bỏng Anh Quốc cũng như Tổ chức Y tế Thế Giới đều khuyến cáo cần phải làm mát vết bỏng dưới vòi nước ít nhất 10 phút ngay sau khi bị bỏng.

#2 Chườm lạnh vết bỏng

Dùng nước lạnh hoặc nước đá chườm lên vết bỏng gây hại nhiều hơn lợi vì có thể làm hỏng mô, gây ra chấn thương lạnh gần vết bỏng. Khi trẻ không may bị bỏng, phụ huynh nên đưa vết bỏng dưới vòi nước mát để làm dịu vết thương hoặc ngâm vết thương trong nước ở nhiệt độ phòng.

#3 Bôi kem đánh răng hoặc mật ong, mỡ trăn lên vết bỏng

Trong trường hợp trẻ bị bỏng dầu ăn, cha mẹ thường nghĩ ngay đến giải pháp dùng kem đánh răng, mật ong để sơ cứu vết bỏng. Theo các chuyên gia, đây là cách chữa bỏng sai lầm cần tránh. Các chất mềm như kem đánh răng, mật ong dù không làm cho vết bỏng nặng hơn nhưng chúng lại cản trở quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng cũng cao hơn.

#4 Bịt kín vết thương

Bịt kín vết bỏng khiến vết thương dễ vỡ hơn trong trường hợp phồng rộp, có thể dẫn tới nhiễm trùng. Khi trẻ bị bỏng, cha mẹ cố gắng cho con mặc quần áo rộng, thoáng. Bé dùng băng gạc nếu vết thương quá nặng, trong trường hợp vết bỏng nhẹ, hãy để vết bỏng thông thoáng.

Bên cạnh đó không được sử dụng bông để che đậy vết thương, điều này có thể gây thêm nhiễm trùng có vết thương.

#5 Đắp thuốc nam

Vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé 18 tháng tuổi (Nam Định) bị bỏng nước sôi trong lúc chơi đùa, vết bỏng khá lớn ở vùng ngực. Thay vì đưa con đến bệnh viện, người mẹ đến nhà thầy lang lấy thuốc nam về đắp khiến vết bỏng nặng hơn. Bé nhập viện trong tình trạng sốt, hôn mê, chẩn đoán bỏng nước sôi độ 2-3, nhiễm trùng. Thuốc nam chính là nguyên nhân dẫn đến mất thời gian vàng chữa vết bỏng và nguy hiểm nhất chính là gây nhiễm trùng cho người bệnh.

Vì vậy, nếu trẻ bị bỏng nước sôi, bỏng hơi lúc đó cha mẹ cần để vết thương dưới vòi nước chảy ít nhất 10 phút. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí. Nếu là bỏng điện, gia đình nhanh chóng tách trẻ khỏi nguồn điện, đưa trẻ đến nơi thoáng mát và xử trí như trên.

Nếu trẻ bị bỏng hóa chất, người lớn ưu tiên rửa vùng bị bỏng bằng nước sạch. Tiếp đó, phụ huynh cởi bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất của trẻ bằng cách cắt quần áo. Ngay sau đó, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để khám, điều trị kịp thời.


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay