Các khóa học đã đăng ký

TẠI SAO CHÚNG TA GẶP CHUỘT RÚT GIỮA ĐÊM?

Có bao giờ bạn phải thức dậy vì cơn chuột rút giữa đêm đau điếng và không biết phải làm gì? Cùng bác sĩ sơ cứu Wellbeing tìm hiểu ngay nhé!

Tìm hiểu loài “chuột rút”

Chuột rút là cơn co mạnh, đau và thắt chặt các cơ, thường đến đột ngột và kéo dài từ vài giây cho đến vài phút. Chuột rút thường xảy ra ở chân.

Biểu hiện chuột rút khi ngủ là sự co thắt cơ đột ngột không tự ý, đa số các trường hợp xảy ra ở cơ bắp chân, thỉnh thoảng tình trạng này gặp ở cơ đùi và cơ bàn chân. Hiện tượng chuột rút lúc ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường có xu hướng gia tăng dần theo độ tuổi. Đối với người bình thường khỏe mạnh, đôi khi cũng gặp phải chuột rút vào bất cứ thời điểm nào đó trong ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng chuột rút khi ngủ tái phát nhiều lần thì bệnh nhân cần đi khám và chẩn đoán chính xác vì rất có thể đó là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý nào đó.

Nguyên nhân nào gây ra chuột rút giữa đêm?

Những nguyên nhân có thể gây chuột rút vào ban đêm, bao gồm:

- Lạnh chân: Bệnh nhân bị chuột rút vào ban đêm có thể do gió từ quạt hoặc từ bên ngoài trời thổi vào chân.

- Vận động quá sức: Vào ban ngày, người bệnh vận động quá sức, khiến cơ bắp mỏi mệt hoặc chấn thương. Quá trình vận động sẽ làm tiêu hao lượng đường ở gan, nếu tiêu hao quá mức mà không kịp bổ sung calo cho cơ thể, sẽ khiến chân dễ bị chuột rút về đêm.

- Thiếu nước và mất cân bằng chất điện giải: Vận động quá mức, phơi nắng lâu, hoạt động ngoài trời thường gây đổ nhiều mồ hôi, khiến cho cơ thể bị mất rất nhiều nước và chất điện giải. Ngoài ra, thói quen uống trà lợi tiểu, uống cà phê cũng sẽ khiến cơ thể bị thiếu nước và mất cân bằng chất điện giải.

- Thiếu hụt các chất dinh dưỡng: Chế độ ăn uống mất cân đối, không hợp lý dẫn đến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng như canxi, magie, kali,...

- Mắc các bệnh lý về thận: Những bệnh nhân bị suy thận, phải thường xuyên lọc thận sẽ không thể chuyển hóa các chất dư thừa trong cơ thể một cách hiệu quả. Đối với cơ thể bình thường, quá trình chuyển hóa này thường diễn ra trong vòng 24 giờ, nhưng với bệnh nhân lọc thận sẽ phải mất từ 2 đến 3 ngày. Các chất điện giải trong cơ thể bệnh nhân thay đổi liên tục trong quá trình lọc thận có thể gây ra chuột rút.

- Tâm trạng căng thẳng, lo lắng: Những người thường bị áp lực, căng thẳng quá độ sẽ dễ bị chuột rút khi ngủ, vì tình trạng căng thẳng có thể khiến cho các hormon trong cơ thể bị mất cân bằng, nhịp tim nhanh, huyết áp cao.

Phương pháp giúp bạn “bắt chuột rút”

Để giảm đau và hạn chế các cơn chuột rút, bạn có thể tham khảo các cách sau:

- Massage là cách đơn giản nhưng hiệu quả để giúp máu lưu thông dễ dàng và hạ các cơn co thắt vùng bắp chân.

- Chườm nóng khi xuất hiện cơn chuột rút bắp chân ban đêm, giữ túi ấm một lúc để nhanh chóng giảm đau và giúp máu lưu thông dễ hơn.

- Nếu bạn đang chơi thể thao và bị chuột rút thì nên dùng túi chườm lạnh để cắt đứt cơn đau nhanh chóng.

- Kéo căng cơ chân, cố gắng kéo gập bàn chân về phía đầu gối gần nhất có thể khi ngủ.

- Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, nhất là sau khi vận động nhiều hay vào những ngày trời nắng nóng.

- Bổ sung các chất khoáng cần thiết, nhất là Ka, Ca, Mg, Na,... thông qua các loại rau xanh, củ quả trong bữa ăn hàng ngày.   

- Cân bằng chế độ luyện tập mỗi ngày với thời gian nghỉ ngơi để hạn chế những cơn co thắt cơ bắp về đêm.

Nếu những cơn chuột rút đến thường xuyên và kéo dài, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay