LÀM SAO ĐỂ NGHE NHẠC HAY MÀ VẪN BẢO VỆ ĐƯỢC ĐÔI TAI?
Bạn có biết, nghe nhạc có thể ảnh hưởng tới đôi tai và nguy hiểm hơn rất nhiều bạn biết. Vậy làm sao để nghe nhạc mà vẫn bảo vệ được đôi tai của mình? Cùng bác sĩ sơ cứu Wellbeing tìm hiểu ngay nhé!
Bạn là một tín đồ âm nhạc, hoặc đơn giản chỉ là dân văn phòng, học sinh, sinh viên luôn cần âm nhạc để tập trung. Vậy làm thế nào để vừa tận hưởng được những giai điệu hay mà không làm hại đôi tai của mình?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,1 triệu thanh thiếu niên có nguy cơ bị suy giảm thính lực do sử dụng thiết bị âm thanh không đúng cách. Chính vì vậy, bạn cần nắm rõ nghe bao lâu và nghe như thế nào để bảo vệ đôi tai.
Âm thanh như thế nào sẽ gây hại?
Âm lượng càng cao, ngưỡng đạt giới hạn chịu đựng của tai càng ngắn. WHO khuyến cáo nghe âm thanh trên 85dB có thể dẫn tới tổn thương thính lực lâu dài. Cụ thể:
- 85 dB ~ Tiếng giao thông giờ cao điểm (tai bạn chịu được 8 tiếng/ngày)
- 94 dB ~ Âm lượng nghe nhạc trung bình (tai bạn chịu được 1 tiếng/ngày)
- 105 dB ~ Âm lượng cao nhất ở hầu hết thiết bị nghe nhạc cá nhân (tai bạn chỉ chịu được 4 phút/ngày)
Bạn có đang nghe âm lượng quá lớn?
Một số cách dễ dàng dưới đây sẽ giúp bạn tỉnh ngộ và nhận ra mình đang nghe âm lượng quá lớn:
- Đặt tai nghe cách bạn 1 cánh tay mà vẫn nghe thấy
- Nếu người bên cạnh có thể nghe thấy tiếng nhạc của bạn
- Khi đang nghe nhạc mà phải nói chuyện với người khác và bạn cảm thấy phải nói to hơn bình thường
Và hãy đến gặp các bác sĩ tai mũi họng ngay nếu có các dấu hiệu sau:
- Nghe thấy tiếng rung hay tiếng click, có cảm giác ù trong tai
- Gặp khó khăn để nghe ở những nơi đông người
- Âm thanh bị ù, không rõ
- Liên tục cảm thấy phải tăng âm lượng
Nghe nhạc sao để không hại tai
- Phương pháp đầu tiên phải kể đến chính là sử dụng loa ngoài thay vì tai nghe và để âm lượng dưới 70dB.
Tuy nhiên, trong môi trường công sở hay đang ở những nơi công cộng buộc phải chọn tai nghe, bạn vẫn có thể bảo vệ thính lực bằng cách:
- Áp dụng quy tắc 60/60:
Nghe nhạc 60 phút/ngày, ở âm lượng 60% của thiết bị. Nếu 1 tiếng mỗi ngày là quá ít, giảm âm lượng sẽ cho bạn nhiều thời gian hơn.
- Dùng tai nghe chụp tai thay vì tai nghe nhét trong vì loại nhét trong truyền âm trực tiếp đến màng nhĩ và lọc tiếng ồn không gian kém hiệu quả hơn. Tai nghe nhét trong cũng đẩy ráy tai sâu hơn vào trong tai, tăng nguy cơ tắc nghẽn ống tai.
Đồng thời, hãy đầu tư một đôi tai nghe có chức năng giảm tạp âm hay còn gọi là chống ồn. Khi giảm tạp âm, bạn không cần nghe ở âm lượng cao để át đi tiếng ồn trong không gian.
- Để cho đôi tai nghỉ ngơi:
Khi bắt đầu, hãy giảm âm lượng xuống 0, dần chỉnh cao hơn tới mức bạn thấy vừa, rồi cho nhỏ hơn 1-2 nấc. Dù lúc đầu âm lượng có nhỏ, sau một thời gian lắng nghe bạn sẽ quen dần và cảm nhận đầy đủ âm thanh. Và sau mỗi 30 phút dùng tai nghe hãy nghỉ 5 phút.
- Để ý thông báo trên điện thoại: một số dòng smartphone sẽ cảnh báo mỗi khi bạn chỉnh âm lượng cao hơn mức an toàn. Với androi thanh âm lượng sẽ chuyển đỏ còn với IOS bạn có thể kiểm tra trong phần cài đặt (Headphone Safety). iPhone của bạn có thể tự động giảm sau 15 phút nếu âm lượng quá lớn và không cho phép bạn tăng lên. Ngoài ra, tính năng này sẽ theo dõi trong 1 tuần và thông báo nhắc nhở nếu âm lượng và thời gian sử dụng cao hơn so với khuyến nghị.
- Bảo vệ đôi tai khỏi tiếng ồn đô thị:
Tiếng động cơ xe máy có âm lượng lên đến 80-110dB, vì vậy bạn nên sử dụng loại mũ bảo hiểm ¾ đầu để phần nào che chắn được cho đôi tai.
Và cuối cùng là hãy dành thời gian không tiêu thụ âm thanh, nghỉ ngơi. Nghiên cứu cho thấy bạn cần trung bình 16 tiếng yên tĩnh để hồi phục sau một buổi nghe lễ hội âm nhạc lớn.