Các khóa học đã đăng ký

Những trường hợp mất nước thường gặp| Wellbeing

Trường hợp mất nước thường gặp nhất là tiêu chảy, các trường hợp mất nước khác mà cơ thể thường gặp đó là mất nước do mồ hôi, mất nước do sốt, mất nước do nôn và mất nước do thận… Các trường hợp mất nước này sẽ gây ra các tình trạng khác nhau trong cơ thể, tuy nhiên nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

1. Cơ thể mất nước do đổ mồ hôi như thế nào?

Mất nước do đổ mồ hôi thường được bù đắp dễ dàng bằng đường uống. Lượng mồ hôi thay đổi rất lớn, dao động từ 0,2 – 1 lít/ngày. Nó phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, cường độ và điều kiện lao động mà cơ thể phải chịu đựng. Nếu tập luyện hoặc lao động trong điều kiện nóng, độ ẩm không khí cao và không thoáng gió thì cơ thể có thể mất 3 – 4 lít mồ hôi/giờ. Tuy rằng lượng mồ hôi này sẽ được bù đắp nhanh chóng bằng đường uống nhưng nếu mất 5 lít mồ hôi trở lên thì cũng dẫn đến rối loạn điện giải đáng kể. Do đó, phải bù đắp thêm cả muối trong những trường hợp như thế này.

Biểu hiện của người bị mất nước do đổ môi hôi sẽ là mau mệt mỏi, vã nhiều mồ hôi, uể oải, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, lú lẫn…

2. Trong cơn sốt, nước bị mất ra sao?

Khi sốt, cơ thể tăng nhiệt độ làm quá trình chuyển hóa các chất và năng lượng tăng, hoạt động các cơ quan tăng lên. Khi những hoạt động này tăng lên, cơ thể đòi hỏi phải có thêm nhiều oxy và cùng với đó là tăng đào thải cacbonic. Quá trình này làm người bệnh phải tăng thở. Nhiệt độ tăng dẫn đến độ bão hòa hơi nước trong hơi thở cũng tăng, do đó lượng nước mất theo hơi thở có thể tăng gấp 10 lần bình thường. Nếu là cơn sốt 40 độ kéo dài 4 tiếng thì làm mất 5 – 7 lít nước của cơ thể. Có thể nói, trong khi sốt thì nước mất chủ yếu qua hơi thở và sau đó là đổ mồ hôi

3. Mất nước do nôn xảy ra như thế nào?

Trong nôn, người bệnh khó có thể bù nước và điện giải bằng đường uống. Mất nước do nôn đặc biệt nghiêm trọng với trẻ em và phụ nữ có thai do quá trình chuyển hóa mạnh nên dễ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nôn nhiều có thể gây mất nước, rối loạn tuần hoàn, máu bị cô đặc và giảm huyết áp. Nếu không được xử lý nhanh và kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc, nhiễm axit nặng cho cơ thể.

4. Mất nước do tiêu chảy là gì?

Bình thường, cơ thể có thể tiết ra 8 lít nước ở ống tiêu hóa thông qua nước bọt (1,5 lít), dịch dạ dày (2,5 lít), dịch tụy (0,7 lít), dịch ruột (3 lít) và dịch mật (0,5 lít). Trừ nước bọt, các dịch còn lại sẽ được tái hấp thu với tốc độ khoảng 3 lít/giờ. Khi bị viêm ruột, cơ thể phản ứng bằng cách tiết tới 30 – 40 lít/ngày. Do vậy, cơ thể bị mất nước nhanh và chủ yếu qua phân. Nếu mất từ 5% trọng lượng cơ thể trở đi sẽ xuất hiện rối loạn. Người lớn nặng trên 60kg nếu mất trên 8 lít nước thì rất nguy hiểm, với trẻ nhỏ mức độ sẽ nặng dần khi bị mất từ 25 – 100g nước/ kg cân nặng.

Những rối loạn quan trọng xuất hiện trong tiêu chảy đó là

- Rối loạn tuần hoàn làm huyết áp giảm

- Nhiễm toan (nhiễm axit) nặng do trụy tim mạch làm thiếu oxy trong máu. Dòng máu qua gan, thận bị giảm làm ứ đọng sản phẩm độc và các sản phẩm chuyển hóa dở dang. Ngoài ra mất dịch kiềm của dịch mật, tụy, ruột càng làm nặng thêm quá trình nhiễm toan của cơ thể.

- Nhiễm độc thần kinh là quá trình kết hợp của thiếu oxy máu, nhiễm độc và nhiễm toan máu. Sự nhiễm độc thần kinh này sẽ ức chế trung tâm hô hấp, ức chế hệ tuần hoàn và chuyển hóa làm người bệnh càng nặng.

Bên cạnh các tình trạng mất nước trên, chúng ta còn mất nước do thận. Mất nước này hay gặp trong đái tháo nhạt, việc bù khối lượng nước và điện giải tương đối dễ dàng và ít gây rối loạn về chuyển hóa trong cơ thể.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay