Các khóa học đã đăng ký

Những dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Sau tiêm, các phản ứng ở trẻ có thể nhẹ hoặc nặng. Có những phản ứng có thể xử lý tại nhà nhưng cũng các những phản ứng cần được đưa tới cơ sở y tế để chăm sóc và điều trị.

1. Lợi ích khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch?

Việc tiêm ngừa được chứng minh là biện pháp tốt nhất giúp phòng các bệnh truyền nhiễm, khoảng 85-95% những người được tiêm chủng sẽ sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Khi được tiêm chủng ngừa, trẻ sẽ có sức khỏe tốt, thể chất và trí não phát triển bình thường, tránh được tối đa nguy cơ bị các dị tật, di chứng do bệnh truyền nhiễm gây ra. 

Theo tổ chức WHO, lịch tiêm chúng của trẻ đã được tính toán kỹ lưỡng dựa vào kết quả của rất nhiều nghiên cứu nhằm xác định độ tuổi nào trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong cao khi mắc một trong các bệnh có thể chủng ngừa. Do đó, khi trẻ được tiêm phòng theo đúng lịch khuyến cáo thì khả năng phòng vệ của vắc-xin mới đạt hệu quả cao nhất.

Khi trẻ được tiêm chủng, cơ thể trẻ sẽ sản sinh ra kháng nguyên và kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể khi được hình thành sẽ tiêu diệt virus, vi khuẩn và chống lại được những tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.

2. Những dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng cần đưa trẻ đi cấp cứu 

Sau tiêm chủng, nếu trẻ có các dấu hiệu sau, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế:

- Sốc phản vệ sau tiêm

Ở trẻ, sốc phản vệ sau tiêm chủng được coi là phản ứng nguy hiểm nhất và gây nguy cơ tử vong cao nếu cha mẹ không phát hiện kịp và có những can thiệp nhanh chóng. Biểu hiện của trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm chủng thường có các triệu chứng: mệt nhiều, tay chân lạnh, lừ đừ, khó thở, co rút cơ thành bụng, tiêu chảy và da xanh.

- Sốt cao

Sốt cao là tình trạng thân nhiệt trẻ trên 38,5 độ C. Sau tiêm, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ phải cho trẻ dùng hạ sốt và chú ý kiểm tra tình trạng của trẻ. Sau 1h khi dùng hạ sốt, nhiệt độ cơ thể trẻ không giảm thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế.

- Co giật

Những cơn cơ giật toàn thân không kèm theo dấu hiệu và triệu chứng tại chỗ, trẻ có thể sốt hoặc không. Khoảng 0,6% những trẻ sau tiêm chủng ho gà sẽ có biểu hiện sốt cao kèm theo co giật và phần lớn những trẻ này đều có tiền sử co giật, động kinh. Những trẻ bị động kinh, thông thường sẽ được xếp vào danh sách chống chỉ định tiêm phòng ho gà.

- Phản ứng quá mẫn cấp tính

Những phản ứng này thường xảy ra trong 2h đầu sau tiêm chủng với các biểu hiện như: thở khò khè, phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân. Khi trẻ có những biểu hiện này cần đưa ngay tới cơ sở y tế.

- Khóc thét kéo dài

Khoảng 3% trẻ em từ 3-6 tháng tuổi sau khi tiêm vắc-xin có biểu hiện rên la, quấy khóc và thường dịu đi sau một ngày. Nếu trẻ khóc thét kéo dài hơn 3h thì được đưa tới cơ sở y tế.

Tóm lại, tiêm vắc-xin đúng lịch giúp trẻ tránh được tối đa nguy cơ bị bệnh hoặc các dị tật, di chứng do bệnh truyền nhiễm gây ra. Tuy nhiên, sau tiêm trẻ có thể có những dấu hiệu bất thường. Cha mẹ cần chú ý theo dõi và xử trí nhanh chóng.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay