Đánh giá chuyên sâu nạn nhân - Kiểm tra từ đầu tới chân 1| Wellbeing
BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Sau khi đã ghi lại những diễn biến tai nạn xảy ra và các thông tin bệnh lý của nạn nhân trước đây, bạn nên thực hiện đánh giá chuyên sâu, kiểm tra nạn nhân từ đầu tới chân. Sử dụng mọi giác quan khi kiểm tra nạn nhân như quan sát, lắng nghe, sờ và ngửi.
1. Kiểm tra từ đầu tới chân để phát hiện triệu chứng.
Kiểm tra từ đầu tới chân của nạn nhân sẽ giúp chúng ta phát hiện những triệu chứng và biểu hiện của tai nạn, bệnh tật mà những bước đánh giá ban đầu đã bỏ qua. Vậy triệu chứng là gì?
Triệu chứng là những cảm giác mà nạn nhân cảm thấy và mô tả cho bạn. Khi bạn nói chuyện với nạn nhân, hãy yêu cầu họ mô tả càng chi tiết càng tốt. Chẳng hạn như khi nạn nhân kêu đau, hãy hỏi họ đau ở đâu. Yêu cầu họ mô tả cơn đau (liên túc, ngắt quãng, đau nhói,…). Hãy hỏi xem điều gì khiến cơn đau tăng lên hoặc giảm đi, chuyển động hoặc thở có ảnh hưởng đến cơn đau không, nếu cơn đau không phải do tai nạn gây nên thì nó bắt đầu ở đâu. Nạn nhân có mô tả triệu chứng khác như buồn nôn, chóng mặt, nóng, lạnh hoặc khát.Hãy nghe kỹ câu trả lời và không ngắt lời khi họ đang nói.
Triệu chứng có thể chia làm hai loại là triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể.
- Triệu chứng cơ năng: thông tin mà nạn nhân cung cấp về tình trạng của họ.
- Triệu chứng thực thể: Những phát hiện khi chúng ta kiểm tra nạn nhân.
Lưu ý: Lắng nghe nạn nhân, giao tiếp với nạn nhân bằng mắt. Hỏi các câu đơn giản và lắng nghe kỹ các triệu chứng mà họ mô tả.
2. Kiểm tra từ đầu tới chân để phát hiện biểu hiện.
Biểu hiện là những đặc điểm như sưng, chảy máu, đổi màu, biến dạng và bốc mùi mà bạn có thể phát hiện qua quan sát và cảm nhận từ nạn nhân. Hãy sử dụng mọi giác quan như nhìn, nghe, cảm nhận và ngửi. Bạn có thể nhận ra nếu người đó không thể thực hiện các chức năng bình thường như cử động chân tay hoặc đứng. Hãy ghi lại những thương tích hiện rõ trên bề mặt và chỉ quay lại xử lý chúng khi bạn đã kiểm tra tổng thể xong.
Lưu ý: Luôn so sánh cả hai bên của cơ thể. So sanh phần bị thương của cơ thể với phần không bị thương. Kiểm tra tình trạng sưng, biến dạng và/hoặc đổi màu.
3. Chú ý khi kiểm tra từ đầu đến chân của nạn nhân
Luôn bắt đầu từ phần đầu của nạn nhân và kiểm tra dần xuống dưới; quy trình này sẽ giúp bạn vừa dễ nhớ vừa kiểm tra được toàn diện.
Bạn có thể sẽ phải nới lòng, bộ lộ hoặc cắt bỏ quần hoặc áo của nạn nhân để kiểm tra cẩn thận và kỹ càng. Do đó hãy tôn trọng sự riêng tư của nạn nhân, nhớ xin phép họ trước khi thực hiện.
Bảo vệ bản thân bằng cách đeo găng tay dùng một lần.
Không di chuyển nạn nhân nếu không thực sự cần thiết. Nếu có thể, kiểm tra nạn nhân ở tư thế ban đầu.
Luôn kiểm tra nhịp thở và nhịp tim của nạn nhân, sau đó kiểm tra dần từ trên xuống dưới.
Sau tất cả, ghi lại những thông tin thu thập được và chuyển cho nhân viên y tế để họ có thể giúp nạn nhân cảm thấy thoải mái và hồi phục nhanh chóng.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây