Các khóa học đã đăng ký

CHẨN ĐOÁN BỆNH LOÃNG XƯƠNG | WELLBEING

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hoàng Văn Cường – Quản lý Dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống.

Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing

Loãng xương gây ra các hậu quả nặng nề nhưng lại khó phát hiện sớm vì bệnh thường diễn biến thầm lặng, rất nhiều bệnh nhân gần như không có triệu chứng nào cho tới khi xảy ra biến chứng là gãy xương hoặc lún xẹp đốt sống.

chuan-doan-benh-loang-xuong-Wellbeing

1. Triệu chứng của loãng xương.

Thông thường, loãng xương không gây đau, không có bất kì một biểu hiện lâm sàng nào. Các triệu chứng đầu tiên có thể là biểu hiện biến chứng của loãng xương (xẹp đốt sống hoặc gãy xương ngoại vi).

  • Đau do xẹp đốt sống: Đau xuất hiện khi có một đốt sống mới bị xẹp, hoặc đốt sống tiếp tục xẹp nặng thêm. Đau xuất hiện tự nhiên hoặc liên quan tới gắng sức hoặc chấn thương nhẹ. Thường biểu hiện bằng đau cột sống cấp tính, khởi phát đột ngột, không lan, không có triệu chứng chèn ép thần kinh kèm theo. Đau giảm rõ khi nằm và giảm dần rồi biến mất trong vài tuần. Tuy nhiên, có một tỉ lệ rất lớn bệnh nhân lún xẹp đốt sống không có triệu chứng đau cột sống.

  • Biến dạng tư thế cột sống: Khi xẹp nhiều đốt sống, cột sống thường bị biến dạng (điển hình nhất là cong đoạn cột sống lưng – thắt lưng). Bệnh nhân bị giảm chiều cao, gù đoạn lưng, có thể tới mức các xương sườn 10 – 12 cọ sát vào cánh chậu.

  • Gãy xương: Là hậu quả thường gặp của loãng xương. Bệnh nhân loãng xương có thể bị gãy xương sau một chấn thương rất nhẹ. Những vị trí thường gặp là đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu và xương cùng.

2. Chẩn đoán xác định loãng xương.
 

Thông qua triệu chứng và các yếu tố nguy cơ.

Vì các triệu chứng của loãng xương âm thầm và biểu hiện ra ngoài khi đã bệnh đã có biến chứng nên chúng ta cần xét đến các yếu tố nguy cơ liên quan đến loãng xương. Một số yếu tố đó là:

  • Tiền sử bệnh: Tiền sử mắc các bệnh liên quan đến Cơ-Xường-Khớp, tiền sử gia đình có người bị mắc bệnh, tiền sử sinh sản.

  • Các bệnh lý kèm theo: Thận, rối loạn tiêu hóa, nội tiết, khớp, bệnh thần kinh; rối loạn ăn uống; trầm cảm; nằm một chỗ.

  • Tiền sử sử dụng thuốc.

  • Lối sống và vận động: Hút thuốc lá, nhịn ăn thường xuyên, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, ít tập thể dục...

Điều quan trọng nhất đó chính là tiền sử gãy xương bởi vì khi bệnh nhân đã từng bị gãy xương, nguy cơ gãy xương một lần nữa tăng rất cao.

Đo mật độ xương. 

chuan-doan-benh-loang-xuong-Wellbeing

Hiện nay, việc chẩn đoán loãng xương cho phụ nữ mãn kinh và nam giới trên 50 tuổi dựa vào đo mật độ xương. Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của WHO dựa vào mật độ xương (BMD) tính theo T-score của một cá thể (là chỉ số BMD của cá thể đó so với BMD của nhóm người trẻ tuổi, cùng giới làm chuẩn) như sau:

  • Bình thường: T-score ≥ -1

  • Giảm mật độ xương: -1 > T-score > - 2,5

  • Loãng xương: T-score < – 2,5

  • Loãng xương nặng: T-score < -2,5 và có một hoặc nhiều gãy xương.

Đối với trẻ em, phụ nữ chưa mãn kinh và nam giới dưới 50 tuổi, việc chẩn đoán loãng xương không dựa vào BMD tính theo T-score mà tính theo Z-score (là BMD của một cá thể so với nhóm người cùng tuổi, giới, chủng tộc làm chuẩn).

Chụp phim X-Quang.

X-Quang thường được dùng để đánh giá loãng xương sau mãn kinh ở cột sống vì biểu hiện sớm nhất tại đây. Tuy nhiên, thường khi khối lượng xương đã mất từ 30% trở lên mới phát hiện được trên X quang, do đó phương pháp này không được dùng để chẩn đoán sớm mà nên được sử dụng để theo dõi cho bệnh nhân.

Các xét nghiệm hoá sinh.

Bằng cách định lượng một số chỉ số sinh hoá trong máu và nước tiểu, người ta có thể đánh giá được sự thay đổi quá trình chuyển hoá chất khoáng của xương. Đây là phương pháp không xâm nhập, có thể lặp lại nhiều lần, nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu thấp. Ngoài ra, các xét nghiệm sinh hoá máu và nước tiểu thường ít thay đổi một cách có ý nghĩa và đặc hiệu ở những người có Loãng xương so với những đối tượng bình thường. Do đó hiện nay phương pháp này ít được dùng để chẩn đoán loãng xương.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Tài liệu tham khảo:

1. National osteoporosis foundation (2014), Clinician's guide to prevention and treatment of osteoporosis, Washington DC National osteoporosis foundation, chủ biên.

2. Trường đại học Y Hà Nội (2012), Bệnh học nội khoa, Hà Nội Nhà xuất bản Y học, ed, Vol. Tập 2

Xem thêm:

- Tổng quan về bệnh Loãng Xương.

- Phòng và điều trị bệnh Loãng Xương.

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay