Bỏng lạnh - Đã bao giờ bạn nghĩ tới| Wellbeing
Nguyễn Thị Hiên| Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Đã bao giờ bạn nghĩ tới, ngoài bỏng nhiệt, bỏng điện,... thì cũng có hiện tượng bỏng lạnh ? Nghe có vẻ rất vô lý. Tuy là một trường hợp hiếm gặp, nhưng bỏng lạnh cũng gây ra những nguy cơ không kém so với bỏng do nhiệt độ cao gây ra. Chính vì vậy, hiểu thể nào là bỏng lạnh, bỏng lạnh có những dấu hiệu nhận biết nào và cách xử trí nạn nhân bị bỏng lạnh cũng là một trong những kiến thức quan trọng chúng ta cần phải biết.
1. Vậy bỏng lạnh là gì ?
Bỏng lạnh là tình trạng mô sống ở người bị đông cứng và bị tổn thương do tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp. Bỏng lạnh thường gặp ở bàn tay, bàn chân, mũi, và tai; trường hợp nghiêm trọng có thể phải cắt bỏ phần tổn thương.
Trong tình trạng này, các mô của đầu chi, thường là các ngón tay và ngón chân dông cứng lại do nhiệt độ thấp. Trong trường hợp nghiêm trọng, sự đông cứng này có thể dẫn đến mất cảm giác vĩnh viễn và cuối cùng, chết mô và hoại tử do các mạch máu và các mô mềm bị tổn thương vĩnh viễn.
Bỏng lạnh thường xảy ra trong điều kiện đóng băng hoặc gió và lạnh. Những người không thể đi lại để tăng lưu thông máu đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.Bỏng lạnh có thể rất nghiêm trọng, các mô cần nhiều tuần để phục hồi, bệnh nhân có thể mất da, ngón tay, ngón chân, dị tật,……. và có thể bị hạ thân nhiệt
2. Dấu hiệu nhận biết bỏng lạnh
Giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như: da lạnh, nhói đau, cảm giác bị kim châm, tê, xúc giác giảm hoặc đỏ da. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn này, người bệnh chỉ bị sưng nhẹ và tróc da.
Giai đoạn thứ hai của bỏng lạnh, da bắt đầu tái đi và chuyển sang màu trắng hoặc màu nhạt. Bệnh nhân có thể đau nhói, rát và sưng.
Giai đoạn cuối : Bỏng lạnh gây tổn thương ở tất cả các lớp da và phần mô bên dưới da. Người bệnh có cảm giác tê, mất tất cả cảm giác lạnh, đau hoặc khó chịu ở vùng tổn thương. Khớp và cơ cũng bị tổn thương và không còn hoạt động được nữa. Khi vùng da bị bỏng lạnh được làm ấm lại, các vết phồng rộp lớn xuất hiện sau 24-48 tiếng. Sau đó, khu vực này sẽ chuyển sang màu đen và cứng như các mô chết.
3. Cách xử trí nạn nhân bị bỏng lạnh
Bước 1: Khuyên nạn nhân kẹp tay vào nách. Di chuyển nạn nhân đến nơi ấm hơn trước làm ấm các phần bị ảnh hưởng khác.
Bước 2:Sau khi tìm được chỗ trú, nhẹ nhàng tháo găng tay, nhẫn và bất kỳ vật gây bó nào khác, chẳng hạn như ủng. Làm ấm phần bị lạnh bằng tay, đùi của bạn hoặc tiếp tục làm ấm chúng trong nách của nạn nhân. Tránh cọ xát khu vực bị ảnh hưởng vì có thể gây tổn thương cho da và mô.
Bước 3: Ngâm chỗ bị lạnh vào nước ấm khoảng 40° C (104° F). Lau khô cẩn thận và băng bằng vải mỏng hoặc gạc khô.
Bước 4: Nâng cao chi bị lạnh để giảm sưng. Người lớn có thể dùng liều paracetamol hoặc thuốc giảm đau của riêng họ. Trẻ em có thể dùng liều của xi rô paracetamol như khuyến cáo (không dùng aspirin). Chuyển hoặc gửi nạn nhân đến bệnh viện.
4. Một số lưu ý
Không đặt vùng bị lạnh gần nguồn nhiệt trực tiếp.
Đừng cố làm ấm phần bị lạnh nếu có nguy cơ bị đông cứng trở lại.
Xem thêm :
Hạ thân nhiệt và cách xử trí nạn nhân bạn cần phải biết
Bỏng nhiệt