Các khóa học đã đăng ký

Xử trí nhanh chóng chảy máu từ tĩnh mạch suy giãn| Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Tĩnh mạch suy giãn khi các van trong lòng mạch bị hỏng khiến cho máu bị ứ đọng ở mạch máu ngoại vi. Thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi nhiều hơn nam giới. Tĩnh mạch suy giãn có thành mỏng, do đó dễ bị tổn thương gây chảy máu ồ ạt. Sơ cấp cứu kịp thời sẽ làm giảm tiến triển của sốc do thiếu máu.

1. Tĩnh mạch suy giãn là gì?

Tĩnh mạch chứa các van giữ cho máu chỉ chảy một chiều về tim. Khi các van này bị hỏng, máu tích tụ lại ở ngoài vi và khiến cho mạch máu bị phình ra. Bệnh lý này được gọi là suy giãn tĩnh mạch và thường phát triển ở hai chân.

Phụ nữ thường bị suy giãn tĩnh mạch hơn đàn ông. Tỷ lệ mắc ở người cao tuổi cũng lớn hơn so với người trẻ. Với người béo phì sẽ tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch do trọng lượng cơ thể lớn dồn về chân. Sử dụng một số loại thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch ở chân, đặc biết là thuốc tránh thai.

Tĩnh mạch đã suy có thành căng, mỏng và thường nổi lên khiến cho da bị gồ gề tại vùng tổn thương. Tĩnh mạch đó có thể vỡ chỉ do một cú chạm nhẹ, có thể khiến máu chảy rất nhiều. Sốc tiến triển nếu chảy máu không được kiểm soát. Nếu lượng máu mất quá 1/5 lượng máu trung bình của cơ thể (tương đương 0,8 – 1 lít) thì có thể dẫn tới sốc do giảm thể tích máu.

2. Xử trí như thế nào khi bị chảy máu từ tĩnh mạch đã suy giãn?

Mục tiêu của bạn khi xử trí tình huống này là kiểm soát chảy máu, giảm thiểu sốc và bố trí đưa nạn nhân tới bệnh viện khẩn cấp.

Để hạn chế tiến triển của sốc do mất máu, chúng ta có thể xử trí theo các bước sau:

Bước 1: Giúp nạn nhân nằm xuống ở tư thế nằm ngửa. Ngay lập tức nâng và đỡ bên chân tổn thương ở mức cao nhất có thể; động tác này giúp làm giảm lượng máu chảy.

Bước 2: Gác chân bị tổn thương lên vai bạn hoặc lên một chiếc ghế. Dùng gạc vô khuẩn hoặc một tấm gậc sạch, không xơ để ấn chặt và trực tiếp lên tổn thương, cho tới khi kiểm soát được chảy máu. Nếu cần thiết, cẩn thận cắt bỏ quần áo để làm lộ vị trí chảy máu.

Bước 3: Loại bỏ các trang phục như tất chun hoặc tất dày co giãn vì chúng có thể khiến chảy máu tiếp diễn.

Bước 4: Giữ cao chân bị tổn thương, đặt một tấm gạc khác lên tấm ban đầu. Băng chặt vừa đủ để trải đều lực ép, không chặt quá để tránh suy giảm tuần hoàn của chi. 

Bước 5: Ngay lập tức gọi cấp cứu 115. Đỡ và nâng cao chân cho đến khi xe cứu thương tới. Theo dõi và ghi lại các dấu hiệu sống của nạn nhân bao gồm nhịp thở, mạch và ý thức. Kiểm tra tuần hoàn của vùng dưới vị trí băng cứ 10 phút một lần.

3. Dự phòng suy giãn tĩnh mạch:

Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu

Kiểm soát cân nặng

Hạn chế đi giày cao gót

Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần

Khi nghỉ ngơi, nên kê chân cao

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay