Máy khử rung tim/máy sốc tim/máy AED được sử dụng khi nào? |Wellbeing
Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Khi một người bị ngừng tim, với mỗi phút trôi qua, tỷ lệ sống sót của nạn nhân giảm đi 10%. Máy khử rung tim ngoài tự động (AED) có thể giúp nạn nhân khôi phục chức năng tim, giúp tim tái lập nhịp tim hiệu quả trong những thời điểm khẩn cấp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết khi nào nên/không nên sử dụng máy khử rung tim.
Tham khảo các dòng máy sốc điện/máy khử rung tim/máy AED: TẠI ĐÂY
1. AED có tác dụng gì?
Nhịp hiệu quả của tim người bình thường là khi tâm nhĩ và tâm thất co bóp sẽ tống được máu ra khỏi buồng tim. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nguy hiểm, tim bị ảnh hưởng bởi nhiều lý do khác nhau sẽ tạo ra nhịp đập không hiệu quả - cơ tim có co bóp rất nhiều nhưng không tống máu ra khỏi buồng tim. Đây là hiện tượng rung của tim.
Cơ hội sống của nạn nhân là 90% nếu được khử rung tim trong những phút dầu tiên sau bất tỉnh và giảm 10% mỗi phút không được khử rung tim. Máy khử rung tim ngoài tự động AED có tác dụng phân tích nhịp tim của nạn nhân, khi cần thiết sẽ khử rung tim và giúp tim tái lập nhịp tim hiệu quả. Bên cạnh đó, AED còn hướng dẫn người sử dụng thực hiện kỹ năng hồi sức tim phổi (CPR) bằng giọng nói và tín hiệu trên màn hình LCD được gắn ở thân máy. Hầu hết nạn nhân ngừng tim đều cần thực hiện Hồi sức tim phổi. AED sẽ giúp bạn tiến hành hồi sức tim phổi cho nạn nhân hiệu quả hơn, từ đó tăng khả năng sống sót cho nạn nhân.
Tham khảo các dòng máy sốc điện/máy khử rung tim/máy AED: TẠI ĐÂY
2. Khi nào sử dụng AED?
AED thường được đặt trong trường học, khách sạn, các doanh nghiệp/tổ chức, nơi công cộng… những nơi có thể xảy ra các trường hợp ngừng tim đột ngột. Không thể phủ nhận rằng máy khử rung tim ngoài tự động đem lại hiệu quả trong việc cứu sống nạn nhân.
Phần lớn nạn nhân ngừng tim đột ngột là do rung thất, đây là trạng thái cơ tim co không đồng bộ, không nhịp nhàng và không thể tạo ra nhịp đập hiệu quả. Trong tình huống này, cách hành động tốt duy nhất là phóng một dòng điện tác động vào tim để khử rung tim, giúp tim tái lập nhịp đập hiệu quả và thực hiệnn CPR cho nạn nhân.
Điều quan trọng là làm thế nào để xác định một nạn nhân ngừng tim và cần dùng AED? Chúng ta sẽ sử dụng AED trong trường hợp nạn nhân có các dấu hiệu ngừng tuần hoàn rõ ràng, nhận biết thông qua các biểu hiện sau:
- Bất tỉnh: Kiểm tra bằng cách vỗ mạnh vào vai nạn nhân và gọi to: Anh ơi/ chị ơi
- Không thở: Kiểm tra bằng cách ghé sát tai mình vào mũi và miệng nạn nhân đồng thời hướng mắt về phía ngực nạn nhân và quan sát xem có phập phồng hay không
- Thở ngáp: Đây được coi là nỗ lực thở cuối cùng trước khi ngừng thở hoàn toàn. Biểu hiện bằng việc nạn nhân thở chậm, thở ngắt quãng và các khoảng thở không đều.
- Không mạch: Kiểm tra bằng cách đặt 2 ngón tay mình vào cổ tay hoặc ngay dưới góc hàm nạn nhân
3. Những trường hợp nào không nên sử dụng AED?
Không có chống chỉ định tuyệt đối khi sử dụng AED cho nạn nhân. Chúng ta có thể sử dụng AED cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người đang đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên sử dụng AED.
Các trường hợp không nên sử dụng AED bao gồm:
- AED không thể phân tích chính xác tình trạng của nạn nhân trước khi sử dụng
- AED gây ra vấn đề an toàn cho nạn nhân hoặc những người xung quanh
- Khi nạn nhân đang nằm tại vũng nước hoặc nạn nhân bị ướt
- Khi pin của AED bị yếu hoặc khi nạn nhân là trẻ dưới 8 tuổi mà chỉ có miếng dán điện cực cho người lớn. Lúc này AED không thể phân tích và đọc nhịp tim hiện tại của nạn nhân một cách hiệu quả và không thể đưa ra một cú sốc điện chính xác. Từ đó có thể gây ra thương tích cho nạn nhân.
- Khi nạn nhân là trẻ dưới 1 tuổi. AED được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi trong mọi trường hợp. Bạn chỉ cần thực hiện hồi sức tim phổi cho trẻ cho tới khi nhận được sự trợ giúp y tế.