Các khóa học đã đăng ký

TẠI SAO CHÚNG TA LẠI MƠ BỊ "HỤT" CHÂN KHI NGỦ?

Chắc hẳn đã nhiều lần bạn gặp phải hoặc nếu không phải nhiều lần thì ít nhất là một lần bị hụt chân trong giấc ngủ đúng không? Khoảng 70% người trên thế giới từng trải qua cảm giác bước hụt chân trong giấc ngủ.

Đây là một trong những giấc mơ kỳ lạ nhưng khá phổ biến và hay có xu hướng xuất hiện khi mới bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Nó có thể đến với những nội dung khác nhau, kiểu như là: đang đi thì bị vấp phải cái gì đó, bị thụt xuống hố hay thậm chí là bị rơi tự do…nhưng cơ bản cảm giác ấy vẫn khá tương đồng đó là bạn cảm thấy giật mình, người tự động co lại, chân đột ngột thu vào, cảm giác “hẫng”một cái. Cơ bản thì không có gì lạ cả và với kiến thức y khoa bạn hoàn toàn có thể giải thích hiện tượng này một cách “vô cùng hợp lý”.

Có nhiều nguyên nhân nhé, chứ không phải một đâu.

Hụt chân khi ngủ cũng có tên khoa học nhé!

Đầu tiên, đây được gọi chính xác với tên khoa học là “Hypnic Jerk” hay “Myoclonic Jerk”– nôm na là cơ bắp bị co đột ngột trong khi ngủ, đặc biệt hay gặp ở các khối cơ chân. Khi ngủ, hơi thở, nhịp tim chậm lại, nhiệt độ cơ thể cũng hạ xuống, các cơ bắp được thả lỏng hoàn toàn để nghỉ ngơi và phục hồi. Điều này khiến não bộ hiểu sai, cho rằng cơ thể đang trong trạng thái “rơi thật” và nhanh chóng phát tín hiệu co cơ để cơ thể lấy lại cân bằng, khiến bạn giật mình thức giấc.

Cũng có lý giải rằng hiện tượng này là dấu hiệu của sự chuyển giao giữa các dẫn truyền thần kinh kích thích, hỗ trợ sự tỉnh táo và dẫn truyền thần kinh ức chế, làm giảm sự tỉnh táo, thúc đẩy giấc ngủ. Làm các tín hiệu không kiểm soát dẫn đến co cơ đột ngột.

Thậm chí, còn có lý giải nghe có vẻ “đáng sợ”, hiện tượng này xảy ra khi hệ thống thần kinh biết bạn sắp bước vào giấc ngủ, không hoạt động trong một thời gian nên muốn thử xem bạn đã… “chết” chưa. Nghe có vẻ hơi kinh dị nhưng mà cơ thể chúng ta là một cỗ máy “kỳ diệu” mà.

Hụt chân có ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ?

Ngoài ra, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ có thể khiến hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn. Các hoạt động thể chất quá gần giờ đi ngủ có thể kích thích cơ thể. Đi ngủ với nhiều lo lắng trong tâm trí có thể khiến não của bạn hoạt động lâu hơn mức cần thiết, do đó có thể khiến nó gửi tín hiệu cảnh báo ngay cả khi cơ thể đang ngủ. Sử dụng các chất kích thích ảnh hưởng đến khả năng đi vào giấc ngủ của cơ thể. Cuối cùng là các rối loạn giấc ngủ và thói quen ngủ không tốt cũng có liên quan.

Hiện tượng này được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn bình thường và vô hại đối với cơ thể. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra quá thường xuyên, sẽ tạo cảm giác lo lắng và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, thậm chí có thể khiến mất ngủ liên tục.

Bạn cũng có thể thử một số cách sau để cải thiện chất lượng giấc ngủ:

- “Rời xa” các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.

- Uống đủ nước, tốt nhất nên là một cốc nước ấm trước khi lên giường.

- Bổ sung các thực phẩm chứa chứa magie, canxi hoặc sắt như các loại hải sản, các loại thịt đỏ (thịt bò), các loại rau có màu xanh thẫm (chân vịt, mồng tơi, ngót).

- Đảm bảo không gian ngủ yên tính, sạch sẽ, thoảng mát, thoải mái và hạn chế ánh sáng.

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay