Sơ cứu sản phụ: Đỡ đẻ khẩn cấp – bạn đã biết chưa(P2) | Wellbeing
BS Lưu Thị Minh Trang – Chuyên viên tập huấn Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing
Sinh đẻ là một quá trình tự nhiên và thường kéo dài, thường diễn ra vào khoảng tuần thứ 40 của thai kì. Thường có tương đối nhiều thời gian để đưa sản phụ đến bệnh viện, hoặc tìm sự giúp đỡ cho cô ấy, trước khi em bé ra đời. Tuy nhiên sẽ có những trường hợp bất ngờ khi em bé đòi ra quá sớm. Khi ấy bạn cần sơ cấp cứu cho sản phụ. Nghe có vẻ phức tạp nhưng tất cả những việc bạn cần làm chính là để ca đẻ diễn ra tự nhiên mà không cần can thiệp gì. Chi tiết cũng như kỹ thuật các bước thực hiện mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
2. Sơ cấp cứu cho sản phụ - 6 bước cần ghi nhớ:
Như phần trước của bài viết này, những kiến thức cơ bản nhất về cuộc chuyển dạ đã được đề cập đến. Bước tiếp theo là bạn cần thật bình tĩnh và làm theo đúng các bước dưới đây, để tự thực hiện cho bản thân hoặc hỗ trợ vợ, cũng như người thân của mình nếu rơi vào trường hợp sinh sớm hoặc sinh khẩn cấp.
2.1. Mục tiêu của bạn:
Tiếp cận trợ giúp y tế và thu xếp để người mẹ được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Đảm bảo sự riêng tư, trấn an người mẹ và làm cho cô ấy thoải mái
Ngăn chặn sự nhiễm trùng ở mẹ, em bé và bản thân bạn
Chăm sóc em bé trong và sau sinh
2.2. Những lưu ý bạn cần đặc biệt chú ý trong trường hợp khẩn cấp này:
Không cho sản phụ ăn gì tránh tình trạng bị nôn. Nếu sản phụ khát, hãy cho cô ấy nhấp một ít nước ấm.
Không kéo đầu hoặc vai đứa bé trong quá trình sinh.
Nếu dây rốn cuốn quanh cổ đứa trẻ khi sinh, kiểm tra xem nó có lỏng lẻo không, sau đó cẩn thận đưa ra khỏi đầu trẻ để tránh em bé bị thít cổ.
Nếu em bé không khóc khi mới sinh, khai thông đường thở và kiểm tra hô hấp. (Tham khảo thêm ở bài “Trẻ dưới một tuổi bất tỉnh – Cha mẹ cần xử lý thế nào trước khi có sự trợ giúp y tế?”). Không vỗ vào đứa trẻ.
Không kéo hoặc cắt dây rốn, ngay cả khi rau thai đã được đưa ra.
2.3. 6 bước sơ cấp cứu sản phụ:
Bước 1: Gọi 115 để được trợ giúp cấp cứu. Báo cho đội điều hành xe cấp cứu những chi tiết của giai đoạn mà người mẹ đã đạt tới, độ dài của mỗi cơn co tử cung (một cơn co kéo dài bao lâu) và khoảng cách giữa chúng. Gọi cả bà đỡ của sản phụ nếu cô ấy yêu cầu.
Bước 2: Trong giai đoạn đầu tiên, giúp cô ấy ngồi hoặc quỳ trên sàn trong một tư thế thoải mái. Chèn đệm hoặc để cô ấy cử động tự do. Giữ bình tĩnh, và khuyến khích cô ấy thở sâu trong những cơn co.
Bước 3: Xoa bóp nhẹ nhàng phần thấp của lưng bằng cườm tay của bạn. Lau nhẹ nhàng mặt và bàn tay cô ấy, hoặc bạn có thể vẩy nước mát lên mặt và cho cô ấy viên đá để ngậm.
Bước 4: Khi giai đoạn hai bắt đầu, sản phụ sẽ muốn rặn. Đảm bảo môi trường xung quanh sạch sẽ nhất có thể để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Sản phụ nên cởi bỏ bất kì loại quần áo nào gây trở ngại cho cuộc đẻ. Đặt khăn sạch hoặc khăn tắm dưới sản phụ, cô ấy cũng có thể muốn được đắp chăn. Khuyến khích cô ấy giữ thẳng lưng nhất có thể.
Bước 5: Khi đứa trẻ chào đời, bế bé cẩn thận, vì đứa trẻ mới sinh rất trơn. Đưa trẻ tới chỗ người mẹ, đặt trẻ nằm lên vùng bụng ngực mẹ hoặc cuốn trẻ trong một miếng vải, chiếc khăn hoặc chăn sạch.
Bước 6: Khi giai đoạn ba bắt đầu, trấn an người mẹ. Hỗ trợ khi cô ấy sổ khối nhau thai ra ngoài; không được cắt dây. Giữ nhau thai và dây rốn nguyên vẹn vì bà đỡ, bác sĩ hoặc đội cứu thương cần kiểm tra xem có sót rau ở trong tử cung người mẹ không. Nếu chảy máu hoặc đau dữ dội, hãy xử trí sốc (xem thêm bài viết “Bạn đã từng bị sốc chưa? (P2)”). Giúp người mẹ nằm xuống và nâng chân lên.
Xem thêm