Các khóa học đã đăng ký

Phân loại tình trạng mất nước của cơ thể | Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Mất nước là tình trạng mất cân bằng giữa lượng nước nhập vào và xuất ra của cơ thể. Tình trạng này xảy ra do cung cấp không đủ nước hoặc nước mất ra ngoài quá nhiều. Dưới đây là những phân loại về mất nước được sử dụng trên thế giới.

1. Phân loại mất nước theo mức độ

Ở trong bệnh viện, nhân viên y tế sẽ cân người bệnh bị mất nước cấp (mất nước nhanh và đột ngột) để đánh giá mức độ mất nước. Mất nước mà trọng lượng cơ thể giảm 5% thì các dấu hiệu rối loạn bắt đầu xảy ra. Người ta coi giảm 1 kg là mất 1 lít nước và từ khối lượng cơ thể đã cân sẽ suy ra lượng nước đã mất. Ở một người nặng 60 kg, nếu:

- Mất nước dưới 4 lít: mất nước mức độ I

- Mất từ 4 đến 6 lít: Mất nước mức độ II

- Mất từ 6 đến 8 lít: Mất nước độ III.

Nếu mất nước từ 8 lít trở lên thì rất nguy hiểm vì các rối loạn của hệ thống tuần hoàn và chuyển hóa trong cơ thể bị tổn thương nặng. 

2. Phân loại mất nước theo lượng điện giải (muối) đã mất

Quá trình chuyển hóa nước và điện giải luôn liên quan mật thiết với nhau. Do đó, khi có tình trạng mất nước thì cơ thể cũng xuất hiện tình trạng rối loạn điện giải kèm theo. Có thể là lượng điện giải sẽ mất nhiều hơn, mất ít hơn hoặc mất cùng với lượng nước bị xuất ra ngoài.

Mất nước ưu trương: Khi lượng nước mất nhiều hơn mất điện giải, dẫn đến tình trạng các chất điện giải ở dịch trong cơ thể nhiều hơn trong tế bào. Hậu quả là nước từ trong tế bào bị kéo ra ngoài, dẫn đến giảm cả nước ở trong và ngoài tế bào. Người bị mất nước kiểu này sẽ khát rất nhiều, hay gặp ở trong các trường hợp mất nước do sốt, đổ mồ hôi, đái tháo nhạt… 

Mất nước đẳng trương: người bệnh mất cùng lúc cả nước và các chất điện giải. Nguyên nhân thường do nôn, ỉa chảy, mất máu, bỏng (thoát huyết tương)… Kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến trụy mạch, hạ huyết áp và sốc.

Mất nước nhược trương: khi lượng điện giải mất nhiều hơn mất nước, làm cho dịch cơ thể có ít điện giải hơn dịch ở trong tế bào. Dịch cơ thể trở nên nhược trương làm cho nước từ lòng mạch đi vào tế bào gây phù và cuối cùng là tế bào bị vỡ. Mất nước kiểu này thường xảy ra trong trường hợp suy thận mạn tính…

3. Phân loại mất nước theo khu vực bị mất nước

Mất nước có thể xảy ra ở ngoài tế bào (mất nước ngoại bào) và ở trong tế bào (mất nước nội bào). Môi trường ngoài tế bào chứa nước có thể là trong lòng mạch (huyết tương), các khoảng trống giữa tế bào (khoảng kẽ).

Mất nước ngoại bào là loại mất nước chủ yếu vì đây là khu vực trực tiếp trao đổi nước với môi trường. Triệu chứng điển hình của mất nước ngoại bào là giảm thể tích tuần hoàn. Giảm 1/3 thể tích là nguy hiểm, giảm 2/3 thể tích thường dẫn đến tử vong. Giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến giảm huyết áp và cuối cùng là trụy mạch. Lúc này một loạt các phản ứng có hại cho cơ thể xảy ra, thận thiếu máu dẫn đến giảm bài tiết, tích đọng các chất đào thải và bị nhiễm độc. Lượng máu tuần hoàn trong cơ thể bị thiếu oxy làm cho chuyển hóa yếm khí (chuyển hóa không cần oxy) kích hoạt, sinh ra các sản phẩm chuyển hóa dang dở gây độc cho gan và não.

Mất nước nội bào: Khi môi trường dịch trong cơ thể là ưu trương (chứa nhiều điện giải) thì nước ở trong tế bào sẽ bị kéo ra ngoài. Tình trạng này thường xảy ra khi sốt cao mà không bù đủ nước, suy thận, đái nhạt… Các biểu hiện của mất nước nội bào sẽ tùy thuộc vào lượng nước bị mất:

- Mất 2,5% dịch nội bào: Khát

- Mất 4 – 7% dịch nội bào: Mệt mỏi, khô miệng, thiểu niệu

- Mất 7 – 14% dịch nội bào: Buồn ngủ, chuột rút, ảo giác, tăng thân nhiệt, mê man.

Phát hiện sớm tình trạng mất nước sẽ giúp cho người bệnh có khả năng phục hồi cao hơn. Cơ thể sẽ luôn có phản ứng với tình trạng mất nước mà chúng ta có thể nhìn thấy được.


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay