NHỮNG SỰ THẬT VỀ CÚM BẠN CẦN BIẾT! (P1) | WELLBEING
Bài viết được viết bởi Trịnh Hương Ly | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 800 000 người mắc cúm. Đây là một bệnh dễ gặp và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nhìn chung, cúm không phải một bệnh phức tạp nhưng vẫn gây ra những khó chịu nhất định. Có những người hay nhầm cảm cúm và cảm lạnh, và không thực sự hiểu rõ về cúm.
Mùa dịch cúm bắt đầu khi nào?
Tại Mỹ, mùa dịch kéo dài từ cuối tháng mười đến tháng ba. Số lượng ca bệnh thường đạt đỉnh vào tháng hai, theo số liệu của CDC Mỹ. Mặc dù vậy vẫn có thể mắc cúm vào mọi thời điểm trong năm. Mùa cúm ở Việt Nam thì không cố định, nhưng cũng không dịch chuyển quá nhiều khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Cơ thể dễ bị ốm vào các tháng mùa thu và mùa đông do mọi người thường ở gần nhau trong các tòa nhà, vì vậy tăng nguy cơ tiếp xúc với nhiều loại bệnh.
Cơ thể dễ mắc cúm hơn nếu đang trong một tình trạng viêm nhiễm khác. Điều này có thể do hệ miễn dịch khi đó bị suy yếu nên dễ mắc bệnh hơn.
Xử trí đúng các triệu chứng của cúm
Mắc cúm gây ra các triệu chứng không thể xem thường. Dù vậy, điều trị đúng cách giúp tình trạng bệnh được cải thiện rất nhiều.
Khi được chẩn đoán mắc cúm, hãy nhớ các phương pháp điều trị sau:
- Thuốc giảm đau: các loại thuốc giảm đau như paracetamol và ibuprofen thường được khuyên dùng với các triệu chứng đau cơ, đau đầu và sốt.
Chú ý: không sử dụng aspirin cho trẻ em do nguy cơ (hiếm) mắc hội chứng Reye.
- Thuốc co mạch: loại thuốc có tác dụng giảm ngạt mũi, giảm áp lực ổ mũi và tai. Tùy loại thuốc sẽ có các tác dụng phụ khác nhau, vì vậy hãy đọc kĩ hướng dẫn sử dụng.
- Thuốc long đờm: loại thuốc có tác dụng làm giảm tắc nghẽn đường hô hấp và gây ho.
- Thuốc giảm ho: giảm triệu chứng ho - rất phổ biến ở người mắc cúm. Ngoài ra có thể sử dụng chanh và mật ong để giảm ho và đau họng.
Không tự ý sử dụng chung các loại thuốc với nhau vì nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ. Tốt nhất chỉ nên dùng thuốc với triệu chứng xuất hiện rõ ràng nhất.
Trong thời gian điều trị, nghỉ ngơi đủ rất quan trọng vì cơ thể cần thời gian để chống chọi lại virus cúm. Hãy nghỉ ngơi và ở trong nhà đến khi khỏe hơn, không đến trường hay nơi làm việc nếu còn sốt.
Cần uống nhiều dịch: nước lọc, nước hoa quả, nước điện giải, nước cháo, súp đều có thể sử dụng để bù dịch cho cơ thể. Nước ấm như nước cháo, súp hay các loại trà cũng rất tốt để điều trị giảm đau do viêm họng.
Triệu chứng cúm ở người lớn
Sốt do cúm thường nghiêm trọng hơn. Ở người lớn, triệu chứng khởi phát của nhiễm cúm thường là cơn sốt cao đột ngột.
Người trưởng thành sốt thường không quá cao trừ khi cơ thể có viêm nhiễm nặng, trong khi đó cúm có thể gây ra sốt trên 37.8oC.
Các trường hợp nhiễm virus khác như cảm lạnh có thể chỉ gây sốt rất nhẹ.
Ngoài sốt, nhiều triệu chứng ở trẻ em và người lớn giống nhau. Tuy nhiên cơ thể mỗi người có phản ứng khác nhau khi mắc cúm, một số người có thể biểu hiện bệnh nặng hơn.
Thời gian ủ bệnh của cúm là bao lâu?
Thông thường thời gian ủ bệnh khi mắc cúm là từ một đến bốn ngày. Ủ bệnh là khoảng thời gian virus đi vào và nhân lên trong cơ thể, trong quãng thời gian này, bạn có thể không biểu hiện triệu chứng nào. Điều này không có nghĩa là người mắc không có khả năng lây nhiễm mà thực chất vẫn có nguy cơ lây virus cho người khác.
Khi ho, hắt hơi hay nói, hàng triệu giọt tiết được tạo ra mang theo virus và có thể đi vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng. Ngoài ra cũng có thể nhiễm cúm nếu tiếp xúc các bề mặt có virus ở trên đó rồi chạm vào mắt, mũi hay miệng của mình.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây