Các khóa học đã đăng ký

Đau bụng- triệu chứng của nhiều bệnh tiêu hóa| Wellbeing

BS Lưu Thị Minh Trang – Tập huấn viên Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing

Đau bụng là triệu chứng của rất nhiều bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa. Hoặc cũng có thể là một biểu hiện bình thường và không có gì đáng ngại. Đau bụng là một triệu chứng thường gặp, biểu hiện theo nhiều mức độ khác nhau, nhiều vị trí khác nhau, và tương ứng với đó là thể hiện những ý nghĩa khác nhau về các vấn đề ở nhiều cơ quan nằm ở bụng.

1. Những nguyên nhân nào có thể dẫn đến đau bụng:

  • Sự căng phồng (giãn rộng) hoặc tắc nghẽn của ruột gây ra cơn đau quặn bụng – cơn đau xuất hiện và biến mất từng đợt – thường khiến nạn nhân đau đớn quằn quại và có thể kèm nôn.

  • Đau bụng còn gặp trong ngộ độc thực phẩm

  • Các cơn đau quặn phía dưới rốn, nếu đối xứng và kèm theo các triệu chứng đường tiết niệu như: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu không hết,… có thể nghĩ đến sỏi thận, sỏi bàng quang hoặc sỏi niệu quản

  • Các cơn đau vùng thượng vị (ngay dưới ức), thêm biểu hiện ợ hơi, ợ chua nhiều, đau thường liên quan đến bữa ăn, ăn no đỡ đau hơn, nguyên nhân cao là đau dạ dày do viêm, loét, bong trợt niêm mạc dạ dày.

  • Đau phía dưới mạn sườn phải, bệnh nhân lại có tiền sử mắc các loại viêm gan virus, nguyên nhân có thể là một cơ viêm gan cấp tính.

  • Viêm tụy cấp, xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn nhiều chất đạm, dầu mỡ. Đau quặn vùng ngang ngay phía trên rốn.

  • Đối với phụ nữ, cơn đau bụng có thể đến từ cơn co tử cung khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Một trường hợp cấp cứu ngoại khoa nếu xảy ra cơn đau bụng dưới cần đặc biệt lưu ý là đau dữ dội của một trường hợp chửa ngoài tử cung vỡ.

  • Đôi khi đau bụng là một dấu hiệu của một rối loạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến các cơ quan và cấu trúc khác trong ổ bụng. Nếu ruột thừa vỡ ra, hoặc ruột bị tổn thương, những chất trong lòng ruột có thể rò ra khoang ổ bụng, gây ra viêm lớp thành bụng bên trong. Tình trạng đe dọa tính mạng này, được gọi là viêm phúc mạc, gây ra đau dữ dội, và viêm phúc mạc sẽ trở nên tồi tệ hơn do chuyển động hoặc áp lực lên bụng, và sẽ dẫn đến sốc.

  • Ruột thừa bị viêm (viêm ruột thừa) đặc biệt hay gặp ở trẻ em. Những triệu chứng bao gồm đau (thường bắt đầu ở giữa và di chuyển xuống phía dưới bên phải bụng), chán ăn, buồn nôn, nôn, khó thở và sốt cao kiểu nhiễm trùng, có thể kèm thêm cả rối loạn tiêu hóa(tiêu chảy). Nếu ruột thừa vỡ, viêm phúc mạc sẽ phát triển. Cách điều trị là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa khẩn cấp.

  • Một nguyên nhân đặc biệt khác gây cơn đau xóc: Tình trạng phổ biến này là một dạng chuột rút, thường liên quan đến việc tập luyện, xảy ra ở thân mình hoặc hai bên thành ngực. Nguyên nhân có khả năng nhất là sự tích lũy trong cơ bắp của các sản phẩm hóa học dư thừa, như axit lactic, trong khi gắng sức. Tình trạng này không phải là đau các cơ quan bên trong mà chỉ là đau các cơ thành bụng bên ngoài.

2. Sơ cấp cứu nạn nhân đau bụng:

2.1. Mục tiêu của bạn:

  • Làm giảm cơn đau và sự khó chịu

  • Tiếp cận trợ giúp y tế nếu cần thiết

2.2. Các bước sơ cấp cứu:

  • Bước 1:

Trấn an nạn nhân và làm cho họ thoải mái. Đỡ họ dậy nếu họ thấy khó thở. Đưa họ một vật chứa để đựng nếu họ nôn.

  • Bước 2:

Đưa nạn nhân một chai nước nóng bọc trong một chiếc khăn để chườm lên bụng (nhiệt cao làm cơ giãn ra có thể làm nạn nhân thấy dễ chịu hơn). Nếu nghi ngờ về tình trạng nạn nhân, tìm kiếm tư vấn y tế.

Lưu ý: Nếu cơn đau dữ dội hoặc xảy ra kèm sốt và nôn (nghi ngờ những trường hợp nguy hiểm được đề cập phía trên), gọi 115 để được trợ giúp cấp cứu. Xử tri nạn nhân sốc. Không cho họ dùng thuốc hoặc cho phép họ ăn hoặc uống, vì có thể họ cần được gây mê cấp cứu.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay