Các khóa học đã đăng ký

Bạn nên tiêm loại vắc-xin Covid-19 nào? | Wellbeing

BS. Lưu Thị Minh Trang | Tập huấn viên Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Vắc-xin Covid-19 hiện đang là chủ đề rất được quan tâm trên toàn thế giới. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin hàng ngày về các loại vắc-xin được tiêm tại các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, thời gian gần đây cũng có thông tin Chính phủ ta chuẩn bị nhập khẩu một số lượng vắc-xin lớn để đáp ứng công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu về các loại vắc-xin và nếu được lựa chọn bạn sẽ lựa chọn sử dụng loại vắc-xin nào. Hãy cùng bác sĩ Wellbeing tìm hiểu những thông tin này qua bài viết dưới đây.

1. Có bao nhiêu loại vắc-xin COVID–19?

Có rất loại vắc-xin khác nhau, tuy nhiên đối với COVID – 19, có những loại vắc-xin phổ biến sau:

  • Vắc-xin sống, giảm độc lực

Chứa virus hoặc dạng gần giống của virus SARS-CoV-2 nhưng đã được làm yếu đi trong phòng thí nghiệm vì vậy không thể gây bệnh. Loại vắc-xin này được sử dụng trong vắc-xin sởi, quai bị, thủy đậu.

- Ưu điểm:

Tạo đáp ứng miễn dịch mạnh và thường tạo miễn dịch lâu dài.

- Nhược điểm:

Khả năng các virus trong vắc-xin dù được giảm độc lực vẫn đột biến chuyển thành dạng có độc lực và gây bệnh là có thể xảy ra.

Không sử dụng được trên những người có hệ miễn dịch yếu như: người suy dinh dưỡng, nhiễm HIV, đang điều trị hóa chất, …

Bắt buộc phải bảo quản lạnh để giữ được hoạt tính. Cần đảm bảo trang thiết bị mới có thể sử dụng loại vắc-xin này.

  • Vắc-xin bất hoạt

Đây là loại vắc-xin sử dụng chính virus SARS-CoV-2 hoặc virus rất giống với virus bị giết bằng cách sử dụng hóa chất, nhiệt hoặc bức xạ trong phòng thí nghiệm. Loại vắc-xin này được sử dụng trong vắc-xin, tả, cúm, ...

- Ưu điểm: 

Vắc-xin loại này ổn định và an toàn hơn vắc-xin sống vì virus chết không thể đột biến trở lại dạng gây bệnh.

Vắc-xin này cũng thường không yêu cầu bảo quản lạnh, dễ dàng bảo quản và di chuyển ở dạng đông khô, do đó dễ tiếp cận với người dân ở các nước phát triển.

- Nhược điểm:

Tạo đáp ứng miễn dịch của cơ thể yếu hơn vắc-xin sống. Vì vậy phải tiêm thành nhiều liều hoặc tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch. Điều này hạn chế ở những nơi người dân không có điều kiện tiếp cận chăm sóc y tế thường xuyên.

  • Vắc-xin vector tái tổ hợp

Một đoạn ADN của virus chịu trách nhiệm tạo ra các kháng nguyên (phân tử kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể, tạo ra các kháng thể) được tách ra sau đó chèn đoạn ADN này vào ADN của một loại virus vô hại hoặc giảm độc lực. Virus mới này sẽ đóng vai trò vận chuyển ADN tới các tế bào khi được tiêm vào cơ thể. Các tế bào của cơ thể thể hiện chúng ra dưới dạng kháng nguyên và làm kích thích hệ miễn dịch.

Loại vắc-xin này được sử dụng trong vắc-xin ebola, dại, sởi.

  • Vắc-xin protein

Thay vì toàn bộ virus, vắc-xin protein chỉ sử dụng 1 thành phần nhỏ của virus là các gai nhú trên bề mặt (phần vỏ) chính là các kháng nguyên có tác dụng kích thích hệ miễn dịch. Vắc-xin protein có thể chứa từ 1 đến hơn 20 kháng nguyên.

- Ưu điểm: Chỉ chứa các kháng nguyên cần thiết chứ không phải toàn bộ virus nên nguy cơ gây phản ứng bất lợi của vắc-xin thấp hơn.

- Nhược điểm: Việc xác định các kháng nguyên tốt nhất cần để kích thích hệ miễn dịch là một quá trình tỉ mỉ và tốn thời gian.

  • Vắc-xin ADN

Các gen của các loại virus được phân tích để tạo ra vắc-xin ADN chống lại chúng. Bằng cách sử dụng 1 đoạn ADN có tác dụng tạo ra các kháng nguyên của virus tiêm vào cơ thể để có phản ứng kích thích miễn dịch.

Quá trình này được giải thích như sau, khi vào cơ thể một số tế bào sẽ bắt lấy các ADN này biến thành ARN thông tin (m-ARN), sau đó tế bào tổng hợp nên các phần tử kháng nguyên mà không ảnh hưởng đến ADN của con người, bài tiết ra ngoài và thể hiện trên bề mặt của mình, nhờ đó sẽ kích thích được hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Loại vắc-xin này tương đối rẻ tiền, dễ bào chế và sản xuất. Được sử dụng trong vắc-xin Zika, dại và cúm.

Đối với COVID – 19, loại vắc-xin dạng này sử dụng chủ yếu là loại m-ARN (xem thêm: Các loại vắc-xin COVID – 19) GẮN LINK

2. Bạn nên chọn tiêm loại vắc-xin COVID-19 nào?

Hiện tại có rất nhiều hãng dược phẩm, trường đại học, viện nghiên cứu sản xuất thành công vắc-xin COVID-19. Tổng hợp lại theo các loại vắc-xin được đề cập phía trên, bao gồm:

  • Vắc-xin bất hoạt: Sinovac, Bharat, Sinopharm

  • Vắc-xin vector tái tổ hợp: Astra-Zeneca kết hợp với ĐH Oxford, Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga, Can-Sino, Johnson & Johnson

  • Vắc-xin protein: Novavax, Sanofi-Pasteur, SpyBiotech

  • Vắc-xin mARN: Pfizer-BioNTech, Moderna, Arcturus, CureVac và ĐH Hoàng gia London

Cho đến hiện tại chưa có nghiên cứu nào so sánh tính an toàn và hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19 khác nhau và những ưu nhược điểm tương đối của chúng. Việc so sánh này không chỉ đánh giá tính an toàn dựa trên các biến chứng không mong muốn có thể quan sát trong một thời gian ngắn như đau nhức cơ, sốt,… mà còn cả các nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe của người tiêm.

Mặt khác, tính hiệu quả sẽ được đánh giá dựa trên kết quả đạt được ở những nhóm dân số đặc biệt như người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính, người nhiễm HIV, v.v. Ví dụ, vắc-xin protein sẽ tạo được miễn dịch lâu dài nhất ở người lớn tuổi có hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, hiện tại chưa có câu trả lời rõ ràng cho việc bạn nên chọn tiêm loại vắc-xin nào.

 

Việc lựa chọn loại vắc-xin nào có thể sử dụng ở Việt Nam, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như:

- Điều kiện bảo quản lạnh vì có loại vắc-xin sẽ cần bảo quản ở nhiệt độ -70°C, đặc biệt nếu sử dụng rộng rãi cần đảm bảo trang thiết bị tại các điều kiện địa lý khác nhau

- Giá thành của sản phẩm

- Nguồn cung cấp. Hiện tại vắc-xin COVID-19 đang cực kỳ khan hiếm trên toàn thế giới.

Hãy tin tưởng rằng các nhà nghiên cứu và Chính phủ sẽ chọn lựa loại vắc-xin tốt nhất và phù hợp nhất cho người Việt nam. Trong lúc chờ đợi, hãy tuyệt đối chấp hành các chỉ thị, hướng dẫn, biện pháp phòng chống dịch tiếp theo từ Bộ Y tế để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.

 

Xem thêm thông tin tại: 

https://coronavirus.jhu.edu/vắc-xins/report/types-of-covid-19-vắc-xins

https://www.moh.gov.sg/covid-19/vaccination




 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay