Wellbeing - Taiwan Fund for Children and Families
Sơ cứu là một chuỗi các hoạt động xử lý ngay khi tiếp cận nạn nhân ở hiện trường tai nạn, khi chưa có sự can thiệp của nhân viên y tế và dịch vụ y tế chuyên nghiệp. Sơ cứu cần phụ thuộc vào tình hình nạn nhân thực tế, tuy nhiên, vẫn có những ưu tiên nhất định mà người thực hiện sơ cứu cần phải lưu ý. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là duy trì tuần hoàn và hô hấp.
Tầm quan trọng của duy trì tuần hoàn trong sơ cứu: Khi thực hiện sơ cứu, tuần hoàn là yếu tố quan trọng bậc nhất cần quan tâm. Nếu tim ngừng đập, máu sẽ không tuần hoàn trong cơ thể, dẫn đến những cơ quan thiết yếu – đặc biệt là não – bị thiếu oxy. Các tế bào não không thể sống lâu hơn ba hoặc bốn phút nếu không được cung cấp oxy, sau thời gian đó não sẽ tổn thương không thể phục hồi.
Khi xác định nạn nhân ngừng tim, cần duy trì tuần hoàn nhân tạo bằng cách ép tim nhằm hỗ trợ cho tim về mặt cơ học, giúp bơm dòng máu đi khắp cơ thể. Việc ép thẳng xuống ngay giữa lồng ngực làm tăng áp lực trong khoang lồng ngực, đẩy máu từ tim đi đến các mô. Khi áp lực lên thành ngực được giải phóng, lồng ngực sẽ đàn hồi trở lại, và máu sẽ được “hút” vào tim nhiều hơn; lượng máu này sẽ được ép ra khỏi tim bởi lần ép tim tiếp theo, qua đó giúp duy trì tuần hoàn máu trong cơ thể.
Ngoài việc duy trì tuần hoàn còn cần đảm bảo máu được cung cấp có đủ oxy, khi đó kĩ thuật ép tim nên được phối hợp với hô hấp nhân tạo.
Phục hồi nhịp tim: Cùng với kĩ thuật ép tim, một thiết bị gọi là máy khử rung AED (automated external defibrillator) sẽ được dùng để khởi động lại hoạt động của tim bằng cách tạo một nhịp tim hiệu quả. Sử dụng máy AED càng sớm, cơ hội sống của nạn nhân càng lớn. Tuy nhiên, không nên bỏ nạn nhân để đi tìm máy AED mà hãy nhờ người khác lấy hộ. Bạn có thể được sử dụng máy AED một cách an toàn và hiệu quả dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế chuyên nghiệp.
Có thể tìm thấy máy AED ở rất nhiều nơi công cộng như ga tàu điện, trung tâm thương mại, sân bay, bến xe khách và bến phà. Chúng thường được để trong tủ, đánh dấu bằng biểu tượng dễ nhận biết đặt ở nơi dễ lấy. Những tủ này không khóa và thường được trang bị một chuông báo động, có thể được kích hoạt khi cửa tủ bị mở.
Khai thông đường thở: Đường thở của một nạn nhân bất tỉnh có thể bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Việc này có thể do cơ bị mất kiểm soát, khiến lưỡi tụt ra đằng sau và làm tắc nghẽn đường thở. Khi đó, hô hấp của nạn nhân trở nên khó khăn, tạo ra tiếng khò khè và có thể bị ngừng lại. Nâng cằm nạn nhân và ngửa đầu nạn nhân ra đằng sau sẽ giúp nâng lưỡi ra khỏi lối vào của đường thở, giúp nạn nhân thở được.
Hô hấp nhân tạo cho nạn nhân: Khí thở ra chứa khoảng 16% oxy (chỉ kém khí hít vào 5%) và một lượng nhỏ khí carbon dioxide (CO2). Do đó, không khí mà bạn thở ra có đủ lượng oxy để cung cấp cho nạn nhân – có khả năng giữ cho nạn nhân sống sót – khi bạn thổi không khí vào trong phổi nạn nhân trong quá trình hô hấp nhân tạo.
Bằng cách hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bạn buộc không khí đi vào đường thở của nạn nhân, tới các túi khí (phế nang) trong phổi, và oxy sẽ được chuyển vào trong các mạch máu của phổi.
Khi bạn rời miệng mình khỏi miệng của nạn nhân, lồng ngực nạn nhân hạ xuống và không khí chứa các khí thải sẽ được đẩy ra ngoài, hay được thở ra, từ phổi nạn nhân. Quá trình này, được tiến hành cùng lúc với ép tim, sẽ giúp cung cấp oxy cho các mô tới khi có sự trợ giúp đến.
Cảnh báo: Kiểu thở ngáp cá là dấu hiện trong những phút đầu khi ngừng tim. Không nên nhầm kiểu thở này với kiểu thở bình thường, và nếu thấy nạn nhân thở hấp hối, bạn phải ép tim và hô hấp nhân tạo ngay cho nạn nhân.