Cứu sống nạn nhân ngưng tim sau 100 giờ cấp cứu| Wellbeing
"Tôi tỉnh dậy mới biết tim mình đã từng ngừng đập", anh Du nói sáng 27/11, sau hơn một tháng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán khi nhập viện là "đã chết".
Sự việc xảy ra vào ngày 24/10, nạn nhân tên Du bất tỉnh nằm trên mái tôn, được hai người hàng xóm phát hiện vội ngắt điện nguồn rồi đưa xuống dưới đất và gọi 115. Du đã ngưng tim ngưng thở, tức ngừng tuần hoàn. Nhân viên cấp cứu 115 nhanh chóng có mặt ở hiện trường ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, bóp bóng liên tục 20-25 phút và chuyển Du đến Bệnh viện Đà Nẵng, cách nơi bị nạn khoảng 6 km. Đến phòng Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, Du vẫn chưa có tuần hoàn trở lại.
Lúc này, bệnh nhân được xác định ban đầu "đã chết", song các bác sĩ vẫn tiếp tục cấp cứu, ép tim, bóp bóng qua nội khí quản. TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, đang trong ca trực lãnh đạo đã tiếp nhận và theo bệnh nhân trong suốt quá trình từ cấp cứu, ép tim trên đường di chuyển vào trong phòng Hồi sức tích cực. "Tôi đề nghị thiết lập ngay hệ thống tim phổi nhân tạo", BS Nhân kể.
Hệ thống tim phổi nhân tạo, tức kỹ thuật ECMO, rất đắt tiền. Bệnh nhân rơi vào tình thế đã ngưng tuần hoàn trên 30 phút nên thuộc trường hợp "cân nhắc can thiệp ECMO" do khả năng sống sót rất thấp. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn quyết định dùng ECMO, bởi bệnh nhân còn quá trẻ và "còn cơ hội hồi sinh tim phổi" nhờ được 115 cấp cứu liên tục, bài bản ngay từ khi ngừng tuần hoàn đến lúc vào bệnh viện.
Sau hơn 100 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân phục hồi tuần hoàn, cai ECMO và tiếp tục điều trị nội khoa. 10 ngày sau, bệnh nhân cải thiện hô hấp, cai máy thở và được rút nội khí quản. Bệnh nhân cũng từng có giai đoạn bị loạn thần do ngừng tuần hoàn não quá lâu, nhưng nhờ được chăm sóc đặc biệt nên đã hoàn toàn tỉnh táo, nói chuyện bình thường.
Ngày 27/11, Du xuất viện trong niềm vui của các y bác sĩ và gia đình.
Theo y văn, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn sau 30 phút không hiệu quả thì "coi như kết thúc và thất bại". Song bác sĩ Nhân cho rằng trường hợp bệnh nhân Du chứng minh rằng nếu được cấp cứu tích cực, đa chuyên khoa cùng lúc, các phương tiện và kỹ thuật hiện đại áp dụng cùng lúc, thì vẫn có thể đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống. Còn Du chia sẻ khi xuất viện: "Tôi may mắn nhưng cũng nhờ các bác sĩ rất giỏi".
Trong trường hợp nạn nhân ngừng tim, bạn hoàn toàn có thể sơ cấp cứu trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Hãy cùng Wellbeing tham gia khóa học miễn phí ngay tại: https://socapcuu.vn/dao-tao-so-cap-cuu-hoi-sinh-su-song...
Nguồn: Vnexpress