Sơ cấp cứu – bộc lộ nạn nhân như thế nào| Wellbeing
Bài viết được viết bởi Phạm Hải Anh | Chuyên viên tập huấn, dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Trong sơ cấp cứu để kiểm tra kĩ lưỡng một nạn nhân nhằm chẩn đoán chính xác hoặc xử trí đúng, bạn có thể cần phải cởi bỏ một phần quần áo của anh ta. Nếu có thể, cố gắng giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng tới nạn nhân và chỉ làm khi được họ đồng ý. Cởi bỏ càng ít quần áo càng tốt và không phá hỏng quần áo trừ khi điều đó là cần thiết. Nếu bạn cần phải cắt một phần vải, cố thử cắt theo phần chỉ nối, giữ quần áo không chạm tới tổn thương của nạn nhân. Duy trì được sự riêng tư cho nạn nhân và ngăn ngừa khỏi bị nhiễm lạnh. Ngừng lại nếu việc loại bỏ quần áo làm nạn nhân không thoải mái hoặc đau.
I. LOẠI BỎ TRANG PHỤC Ở TỔN THƯƠNG PHẦN DƯỚI CƠ THỂ
Giày: Tháo dây giày, đỡ mắt cá chân và cẩn thận kéo giày ra từ phần gót chân. Để tháo giày cao cổ, bạn có thể cần phải cắt chúng từ phía đường chỉ nối phía sau.
Tất: Cởi bỏ tất bằng cách tháo chúng ra nhẹ nhàng. Nếu điều này không thể thực hiện được, nâng từng chiếc tất lên khỏi da chân và cắt chúng bằng một chiếc kéo.
Quần dài: Nhẹ nhàng kéo quần dài lên cao để bộc lộ cẳng chân và đầu gối hoặc kéo từ hông xuống thấp. Nếu bạn cần phải cắt, nâng quần cao hơn tổn thương của nạn nhân.
II. LOẠI BỎ TRANG PHỤC Ở TỔN THƯƠNG PHẦN TRÊN CƠ THỂ
Áo khoác: Đỡ cánh tay bị thương. Cởi bỏ mọi nút khóa và nhẹ nhàng kéo áo qua vai của nạn nhân. Cởi tay áo từ bên không bị thương trước. Kéo vòng áo qua phía bên tổn thương của cơ thể và nhẹ nhàng tháo nó khỏi cánh tay bị thương.
Áo len và áo dài tay: Với các loại áo không có khóa, bắt đầu bằng việc cởi tay áo của bên tay không bị thương. Sau đó, cuộn áo lại và kéo dãn nó ra và tháo nó ra khỏi đầu của nạn nhân. Cuối cùng, trượt tay áo còn lại ra khỏi tay nạn nhân, chú ý không tác động tới bên tay tổn thương.
III. CỞI BỎ MŨ BẢO HIỂM
Lưu ý: Không cởi bỏ mũ bảo hiểm trừ khi tuyệt đối cần thiết
Mũ bảo hiểm đội đầu, ví dụ như mũ cưỡi ngựa hoặc mũ chống va đập của người đi xe mô tô, tốt nhất nên được giữ lại, chỉ nên tháo nó ra khi tuyệt đối cần thiết. Ví dụ như khi bạn không thể duy trì đường thở thông thoáng. Nếu mũ cần được tháo ra, nạn nhân nên tự làm việc này nếu có thể; nếu không thể, bạn và người trợ giúp nên tháo nó ra. Chú ý nâng đỡ đầu và cổ mọi lúc và giữ đầu thẳng với cột sống.
1. Cởi bỏ mũ bảo hiểm hở mặt hoặc mũ cưỡi ngựa
Tháo bỏ hoặc cắt bỏ dây mũ. Đỡ đầu và cổ của nạn nhân, giữ chúng thẳng với cột sống. Giữ hàm dưới bằng một tay và đỡ cổ với tay còn lại.
Nhờ một người giúp đỡ nắm hai bên của mũ bảo hiểm và kéo chúng ra để giảm áp lực lên đầu, sau đó kéo mũ lên trên và về phía sau.
2. Cởi bỏ mũ bảo hiểm kín mặt
Tháo bỏ hoặc cắt bỏ dây mũ. Bắt đầu từ phía nền mũ, luồn ngón tay vào phía dưới vành mũ. Đỡ phía sau cổ bằng một tay và giữ hàm dưới chắc chắn. Nhờ một người giúp đỡ giữ mũ bảo hiểm bằng cả hai tay.
Tiếp tục đỡ cổ và hàm dưới của nạn nhân. Nhờ người trợ giúp bạn, bắt đầu từ phía trên, xoay nhẹ mũ về phía sau (mà không làm di chuyển đầu) và nhẹ nhàng nâng phần trước của mũ ra khỏi cằm của nạn nhân.
Duy trì nâng đỡ đầu và cổ. Hướng dẫn người trợ giúp bạn xoay mũ bảo hiểm lên trước nhẹ nhàng để nó trượt ra khỏi nền xương sọ, và sau đó nâng nó thẳng lên khỏi đầu của nạn nhân.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây
Xem thêm
Phòng ngừa chấn thương cột sống cổ khi cởi bỏ mũ bảo hiểm cho người tai nạn