Các khóa học đã đăng ký

Phương pháp di chuyển nạn nhân an toàn khỏi hiện trường tai nạn (Phần 1)| Wellbeing

Bài viết được viết bởi Phạm Hải Anh | Chuyên viên tập huấn dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

di-chuyen-nan-nhan-wellbeing

Di chuyển nạn nhân đến nơi an toàn hay cơ sở y tế là bước không thể thiếu trong khi thực hiện sơ cấp cứu. Tuy nhiên, ngoài cộng đồng vẫn còn những trường hợp di chuyển nạn nhân theo cảm tính, không tuân theo các nguyên tắc dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nạn nhân.

I. NGUYÊN TẮC

- Chỉ di chuyển nạn nhân khi thực sự cần thiết. 

- Chú ý đảm bảo an toàn cho nạn nhân và cho cả người thực hiện.

- Trường hợp nạn nhân còn tỉnh, cần giải thích cho nạn nhân để nhận được sự phối hợp tốt nhất.

- Chỉ di chuyển nạn nhân một mình nếu không tìm được người giúp sức.

- Hướng dẫn những người phụ giúp để có sự phối hợp hiệu quả.

- Khi có nhiều người thực hiện di chuyển nạn nhân, sẽ có một người làm chỉ huy đưa ra hiệu lệnh.

- Thực hiện đúng kỹ thuật để tránh cho bản thân bạn khỏi bị tổn thương khi vận chuyển nạn nhân.

II. KỸ THUẬT DI CHUYỂN NẠN NHÂN BẰNG TAY

1. Trường hợp chỉ có 1 người cứu:

1.1 Phương pháp nạng người:

  Áp dụng trong trường hợp: nạn nhân chỉ bị tổn thương ở một chân như vết thương phần mềm, hoặc dãn dây chằng, hoặc bong gân gót chân ... nạn nhân còn tỉnh táo, hợp tác tốt và có thể bước đi được nhưng khó khăn.

van-chuyen-nan-nhan-wellbeing-2

Bước 1: Dìu nạn nhân đứng dậy, nắm chặt cổ tay nạn nhân và choàng sang cổ của người sơ cứu. Chú ý nên đứng cùng phía với chân bị tổn thương của nạn nhân.

Bước 2: Quàng tay của bạn sang eo bên kia của nạn nhân và nắm chặt cạp quần của nạn nhân để giữ cho nạn nhân thẳng người trong lúc di chuyển.

Bước 3: Tiến lên bước đầu tiên bằng chân phía bên nạn nhân. Di chuyển từng bước nhỏ và theo nhịp với sải chân của nạn nhân. Nếu có thể, bạn nên dùng gậy chống để giúp nạn nhân vững hơn; đồng thời tìm cách trấn an nạn nhân.

1.2 Phương pháp kéo:

   Áp dụng trong trường hợp: thật sự khẩn cấp, chỉ cần di chuyển nạn nhân một đoạn đường ngắn, mục đích để vận chuyển nhanh chóng nạn nhân ra khỏi khu vực cực kì nguy hiểm như cháy, nổ ....

van-chuyen-nan-nhan-wellbeing-7

Bước 1:  Bạn ngồi sau lưng nạn nhân. Luồn hai tay của bạn qua hai bên nách ra phía trước nắm lấy vai nạn nhân rồi kéo nạn nhân lùi về phía sau. 

Bước 2: Có thể dùng hai bàn tay cố định đầu nạn nhân nếu nghi ngờ có tổn thương.

Bước 3: Nếu nạn nhân đang mặc loại áo có độ dày và dai, bạn có thể nắm vai lấy áo của nạn nhân để kéo đi.

Bước 4: Hoặc đặt nạn nhân vào tấm bạt, chăn, ga ... để kéo nạn nhân đi

1.3 Phương pháp cõng: 

Áp dụng trong trường hợp: nạn nhân nhẹ cân, tỉnh táo, hợp tác tốt, không bị tổn thương cột sống, không bị choáng; không bị gãy xương chi, gãy xương chậu.

 

van-chuyen-nan-nhan-wellbeing-5

Bước 1: Nâng nạn nhân ngồi dậy.

Bước 2: Người sơ cứu ngồi trước mặt nạn nhân.

Bước 3: Choàng hai tay nạn nhân qua cổ người sơ cứu, một bàn tay của nạn nhân nắm chặt cổ tay phía bên kia.

Bước 4: Hai tay người sơ cứu luồn dưới khoe chân nạn nhân và giữ chặt.

Bước 5: Người sơ cứu dạng hai chân bằng vai, từ từ đứng dậy và cõng nạn nhân đi.

1.4 Phương pháp bế ẵm: 

Áp dụng trong trường hợp: nạn nhân nhẹ cân (ví dụ: trẻ em), tỉnh táo, hợp tác tốt, không bị tổn thương cột sống, không bị choáng, không bị gãy xương chi, xương chậu...

van-chuyen-nan-nhan-wellbeing-6

Bước 1: Người sơ cứu ngồi bên cạnh nạn nhân.

Bước 2: Vòng tay nạn nhân ôm lấy cổ người sơ cứu, một bàn tay của nạn nhân nắm chặt cổ tay phía bên kia.

Bước 3: Một tay người cứu đỡ khoeo chân của nạn nhân. Tay kia ôm ngang lưng vòng sang nách nạn nhân.

Bước 4: Người cứu dạng hai chân bằng vai, từ từ đứng dậy và bế nạn nhân đi.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

 (Còn tiếp)


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay