Các khóa học đã đăng ký

Hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ trên một tuổi bất tỉnh - kỹ thuật cha mẹ phải biết! | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn Sơ cấp cứu

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ trên một tuổi bất tỉnh là một quy trình sơ cấp cứu áp dụng khi trẻ bất tỉnh và đang ngừng thở. Luôn luôn thực hiện năm lần hô hấp nhân tạo trước khi ép tim. Nếu bạn chỉ có một mình, thực hiện CPR một phút trước khi gọi xe cứu thương.

1. Hồi sức tim phổi (CPR) là gì?

Hồi sức tim phổi (tiếng Anh: Cardiopulmonary resuscitation, viết tắt là CPR) là tổ hợp các thao tác sơ cấp cứu bao gồm ấn lồng ngực và hô hấp nhân tạo với mục đích đẩy lượng máu giàu oxy tới não, đưa nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

2. Điều kiện tiến hành CPR cho trẻ trên một tuổi

Kỹ thuật này áp dụng khi trẻ bất tỉnh và đang ngừng thở, ngừng tim. Khi tim ngừng đập, tình trạng thiếu máu cung cấp oxy trong vòng vài phút có thể gây tổn thương não vĩnh viễn. Sau 8-10 phút máu giàu oxy không được cung cấp đến não, trẻ sẽ tử vong. Việc tiến hành kỹ thuật CPR sẽ giúp đưa máu giàu oxy đến não và các cơ quan trọng yếu trong cơ thể trẻ, giúp ngăn ngừa nguy cơ tổn thương não hoặc tử vong.

Để kiểm tra xem trẻ có đang bất tỉnh, ngửng thở, ngừng tim, bạn hãy thực hiện các hành động kiểm tra dấu hiệu sinh tồn (click vào mục xem thêm ở cuối bài viết “Theo dõi dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân”).

3. Các bước hồi sức tim phổi cho trẻ trên một tuổi

3.1 Thực hiện 5 lần hô hấp nhân tạo

Bạn hãy thực hiện 5 lần hô hấp nhân tạo cho trẻ theo những hướng dẫn sau:

- Bước 1: Làm thông thoáng đường thở của trẻ

Muốn hô hấp nhân tạo cho trẻ đạt hiệu quả, bạn cần đảm bảo đường thở của trẻ thông thoáng. Cách làm như sau: đặt các ngón tay của bạn lên cằm trẻ và nâng lên. Cẩn thận để không được ấn vào phần mềm của cổ bên dưới cằm vì có thể chặn đường thở. Dùng đầu ngón tay của bạn lấy hết dị vật nhìn thấy được khỏi miệng trẻ.

Lưu ý: Nếu dị vật nằm sâu trong miệng trẻ, không lấy ngón tay mò trong miệng trẻ để lấy dị vật vì như vậy có thể khiến dị vật vào sâu bên trong, tăng mức độ nguy hiểm cho trẻ.

- Bước 2: Một tay bạn bịt mũi trẻ, tay còn lại vẫn nâng cằm trẻ và hít một hơi bình thường, áp chặt môi quanh miệng trẻ và thổi từ từ không khí vào trong miệng trẻ. Nếu thổi đúng, lồng ngực trẻ sẽ nâng lên.

- Bước 3: Sau khi hít một hơi vào miệng trẻ, bạn bỏ miệng ra nhưng vẫn giữ nguyên tay nâng cằm và quan sát lồng ngực trẻ hạ xuống- đây là một lần hô hấp nhân tạo. Thời gian cho mỗi lần hô hấp nhân tạo hoàn chỉnh chỉ nên kéo dài một giây.

- Bước 4: Tiếp tục thực hiện hô hấp nhân tạo theo 3 bước trên với 4 lần còn lại.

Lưu ý: 5 lần hô hấp nhân tạo liên tiếp này chỉ thực hiện một lần duy nhất trong suốt quá trình CPR

3.2 Ép tim ngoài lồng ngực

Sau khi tiến hành 5 lần hô hấp nhân tạo liên tiếp, bạn hãy bắt đầu ép tim cho trẻ.

- Bước 5: Xác định vị trí ép tim và đặt tay về tư thế chuẩn bị ép tim.

Khi thực hiện CPR cho trẻ trên một tuổi, vị trí đặt tay đặc biệt quan trọng bởi cơ thể trẻ dễ bị tổn thương hơn người lớn.

Bạn đặt gốc bàn tay của mình vào giữa ngực trẻ ở vị trí ngay trên xương ức. Ngả người về phía trước để vai thẳng hướng với bàn tay sao cho tay bạn đặt vuông góc với ngực trẻ.

- Bước 6: Tiến hành ép tim bằng cách dùng lực của vai ép thẳng tay xuống sao cho ngực trẻ hạ xuống ít nhất 1/3 bề dày lồng ngực. Sau mỗi lần ấn, hãy dừng lại nhưng không di chuyển tay để cho ngực trẻ trả lại trạng thái bình thường trước khi thực hiện lần ấn tiếp theo.

Lặp lại ép tim 30 lần với tốc độ 100-120 lần/phút.

3.2 Hô hấp nhân tạo

Sau mỗi 30 lượt ép tim, tiến hành 2 lần hô hấp nhân tạo.

- Dịch chuyển lên phía đầu trẻ và thực hiện hô hấp nhân tạo 2 lần,, rồi ép tim 30 lần

- Tiếp tục với tỷ lệ 30 lần ép tim, 2 lần hô hấp nhân tạo đến khi xe cứu thương tới hoặc trẻ có dấu hiệu phản ứng trở lại (ho, mở mắt, nói, cử động có chủ đích) và thở bình thường; hoặc bạn đã quá mệt.

4. Lưu ý

Nếu trường hợp trẻ to lớn hoặc người cấp cứu có thân hình nhỏ, bạn có thể thực hiện ép tim bằng hai bàn tay. Đặt gốc bàn tay của tay thuận vào giữa ngực trẻ rồi đặt bàn tay còn lại lên trên và khóa các ngón tay lại. Sau đó ép xuống dứt khoát để thực hiện ép tim như các bước hướng dẫn ở trên.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay