DẤU HIỆU SINH TỒN CỦA TRẺ- CHA MẸ ĐÃ BIẾT CÁCH KIỂM TRA KHI CON ỐM? | WELLBEING
Ngô Thị Sáng - Chuyên gia tập huấn Sơ cấp cứu
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Dấu hiệu sinh tồn là các dấu hiệu thể lực cho thấy một người còn sống hay không. Dấu hiếu sinh tồn của trẻ bao gồm: nhịp thở, mạch và mức độ phản ứng. Khi chăm sóc trẻ ốm hoặc tai nạn, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn này để đánh giá tình trạng của trẻ.
Dấu hiệu sinh tồn số 1: Nhịp thở
Nhịp thở là một trong ba dấu hiệu sinh tồn của trẻ mà bạn cần kiểm tra. Đánh giá nhịp thở là đánh giá số lần trẻ thở trong một phút và tính chất của nhịp thở (Ví dụ: độ sâu và sự dễ dàng khi trẻ thở). Trẻ trên một tuổi thở khoảng 12-16 nhịp/phút ; trẻ dưới một tuổi có thể thở tới 35 nhịp/phút.
Để đánh giá nhịp thở của trẻ, bạn có thể ngồi cùng trẻ, quan sát và lắng nghe nhịp thở. Với trẻ nhỏ bạn nên đặt tay lên ngực để kiểm tra. Chú ý ghi lại số lần thở trong một phút (tần số thở) của trẻ cũng như tính chất nhịp thở: nông hay sâu, dễ hay khó, đau hoặc yên tĩnh hay tạo ra âm thanh và nếu có âm thanh thì chúng nghe giống như tiếng gì?
Cách kiểm tra nhịp thở: Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ hãy đặt trẻ ngồi xuống hoặc ngồi vào lòng bạn. Đặt một tay lên ngực trẻ. Đếm số lần trẻ thở trong một phút và nghe tiếng thở.
Dấu hiệu sinh tồn số 2: Mạch
Mạch là sự nảy nhịp nhàng theo nhịp tim khi đặt tay lên động mạch nhờ sự đàn hồi của mạch máu. Mỗi lần tim trẻ đập, một sóng áp lực chạy theo các động mạch mang máu từ tim đi nuôi cơ thể. “Sóng” này có thể cảm nhận được ở các vị trí động mạch nằm gần da.
Cách kiểm tra mạch:
Kiểm tra mạch ở cánh tay đối với trẻ dưới một tuổi và mạch ở cổ tay với trẻ trên một tuổi. Tần số mạch bình thường ở trẻ trên một tuổi là 60-80 nhịp/phút, với trẻ dưới một tuổi có thể lên tới 160 nhịp/phút.
Bạn đếm mạch (số nhịp trong một phút) và chú ý xem mạch mạnh hay yếu, đều hay không đều.
Với mạch cánh tay: đặt bề mặt của hai ngón tay lên mặt trong cánh tay trẻ
Với mạch quay : Đặt bề mặt của hai hoặc ba ngón tay lên vị trí cẳng tay ngay dưới rãnh cổ tay ở gốc ngón tay cái.
Lưu ý: Dùng bề mặt của ngón tay, không dùng đầu ngón tay vì đầu ngón tay cũng có mạch riêng, dễ lẫn mạch của người đếm và mạch của trẻ.
Dấu hiệu sinh tồn số 3: Mức độ phản ứng
Mức độ phản ứng là khả năng trẻ có thể hoàn toàn tỉnh táo hoặc hoàn toàn bất tỉnh hoặc ở giữa 2 tình trạng trên. Một số bệnh lý và chấn thương sẽ ảnh hưởng tới phản ứng của trẻ. Cha mẹ và người chăm sóc đánh giá trẻ ngay lập tức và thực hiện đánh giá lại đều đặn. Dưới đây là các mức độ phản ứng của trẻ để bạn có thể dựa vào đó để theo dõi.
- Trẻ tỉnh táo hoàn toàn: Trẻ mở mắt và trả lời các câu hỏi bình thường.
- Trẻ chỉ phản ứng với lời nói: Trẻ có mở mắt, trả lời các câu hỏi đơn giản và làm theo hướng dẫn không?
- Trẻ chỉ phản ứng với đau: Trẻ có mở mắt hay cử động khi bạn chạm vào vai hoặc gõ nhẹ vào chân không?
- Trẻ không phản hồi: Trẻ không phản ứng với bất kỳ kích thích nào
Lưu ý
- Không di chuyển trẻ nếu không cần thiết.
- Giữ bình tĩnh và trấn an trẻ.
- Ghi lại số đo tình trạng của trẻ mỗi lần kiếm tra để có thể theo dõi sự thay đổi.
- Nếu nghi ngờ trẻ có bệnh lý hoặc tổn thương nặng, hãy ĐƯA TRẺ ĐI VIỆN hoặc GỌI CỨU THƯƠNG.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây