CPR LÀ GÌ ? | WELLBEING
Trịnh Hương Ly – Chuyên gia tập huấn Sơ cấp cứu
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
CPR hay hồi sức tim phổi (tiếng Anh: cardiopulmonary resuscitation) là một tổ hợp các hoạt động sơ cứu bao gồm ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo nhằm duy trì tuần hoàn và hô hấp cho nạn nhân. CPR cần được thực hiện ngay khi phát hiện nạn nhân bất tỉnh tại hiện trường để đảm bảo khả năng sống sót cao nhất. Một người cần được tập huấn CPR để có thể thực hiện đúng cách.
CÁC BƯỚC THỰC HIỆN CPR
1. Ép tim ngoài lồng ngực
B1: Xác định vị trí ép tim
Tim ở trong lồng ngực, nằm phía dưới xương ức và nằm giữa hai lá phổi. Tim ngừng đập khiến cho não bị tổn thương không hồi phục chỉ sau 5 phút.
Để xác định vị trí ép tim, bạn cần xác định vị trí của mỏm xương ức. Đặt 2 ngón tay của bạn trên mỏm xương ức và đặt một gốc bàn tay ngay bên cạnh hai ngón tay này (khoảng đặt tay ở giữa ngực nạn nhân). Đặt gốc bàn tay còn lại lên trên bàn tay kia, và đan các ngón tay lại, các ngón tay không chạm vào các xương sườn. Đảm bảo rằng bạn không ấn phải các xương sườn của nạn nhân.
Xác định vị trí mỏm xương ức
Xác định vị trí đặt tay
B2: Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực
Khi ép tim, tư thế ép tim đúng là tay duỗi thẳng, lưng thẳng. Cánh tay của người sơ cứu tạo với mặt phẳng ngực của nạn nhân một góc 90 độ.
Nghiêng người về phía nạn nhân, với hai cánh tay duỗi thẳng, ấn vuông góc xuống xương ức, khiến lồng ngực hạ xuống khoảng 5-6cm (2-2.5in). Thôi ấn và trở về vị trí ban đầu mà không nhấc hai bàn tay khỏi ngực nạn nhân. Cho phép lồng ngực đàn hồi trở lại một cách hoàn toàn trước khi thực hiện lần ép tim kế tiếp. Thực hiện liên tục với tần số khoảng 100 - 120 lần/phút.
2. Hô hấp nhân tạo
B1. Kiểm tra và khai thông đường thở
Việc thực hiện hô hấp nhân tạo hay hà hơi thổi ngạt nhằm cung cấp không khí cho nạn nhân cho đến khi phổi hoạt động trở lại. Khi thực hiện hô hấp nhân tạo, trước tiên, bạn cần kiểm tra và mở thông đường thở.
Ngửa đầu nạn nhân và đảm bảo rằng đường thở của nạn nhân được thông thoáng. Đặt một bàn tay lên trán nạn nhân và hai ngón tay của tay còn lại vào đỉnh cằm của nạn nhân. Sử dụng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay đặt trên trán để kẹp phần mềm của mũi của nạn nhân, để miệng của nạn nhân mở ra.
B2. Thực hiện hô hấp nhân tạo
Hít một hơi và để môi của bạn bao quanh môi của nạn nhân, đảm bảo rằng không có kẽ hở. Thổi không khí vào miệng nạn nhân cho đến khi lồng ngực phồng lên. Luôn giữ cho đầu ngửa và cằm được nâng lên, rời miệng nạn nhân ra và nhìn lồng ngực nạn nhân hạ xuống. Nếu bạn nhìn thấy lồng ngực nạn nhân phồng lên khi bạn thổi và hạ xuống hoàn toàn khi bạn rời miệng khỏi nạn nhân, thì bạn đã hoàn thành một lần hô hấp nhân tạo. Một lần hô hấp nhân tạo hoàn chỉnh nên kéo dài một giây.
Khi thực hiện CPR, cứ 30 lần ép tim sẽ dừng lại thổi ngạt 2 lần. Làm liên tục cho đến khi nạn nhân tỉnh lại, có thể nói, thở hoặc nhân có nhân viên y tế chuyên nghiệp tiếp quản. Để tránh kiệt sức, tốt nhất bạn nên có một người trợ giúp.
LƯU Ý:
Nếu bạn chưa từng được huấn luyện về CPR hoặc không sẵn sàng hoặc không thể hô hấp nhân tạo (ví dụ: miệng nạn nhân dính máu), bạn có thể chỉ ép tim đơn thuần. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn cách CPR qua điện thoại, khi bạn gọi cấp cứu.
Nếu có nhiều hơn một người ở hiện trường, hãy thay phiên nhau mỗi 1-2 phút, và hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong việc ép tim.
Nếu nạn nhân nôn trong quá trình CPR, hãy để nạn nhân nằm nghiêng, hướng đầu nạn nhân về phía sàn nhà để chất nôn có thể đi ra ngoài. Loại bỏ hết phần chất nôn còn thừa lại trong miệng nạn nhân, sau đó nhanh chóng lăn nạn nhân nằm ngửa trở lại và tiếp tục quá trình CPR. Cố gắng không sử dụng tay trần. Hãy sử dụng găng tay nếu có thể. Nếu không, có thể dùng túi nilon.
Nếu một phụ nữ đang trong những tuần cuối của thai kì cần được CPR, hãy nâng hông bên phải của nạn nhân lên khỏi sàn nhà trước khi bạn bắt đầu ép tim, xem bên dưới.
Hô hấp nhân tạo cải biến có thể cần thiết trong một vài trường hợp: ví dụ, nếu nạn nhân có dính hóa chất quanh miệng, bạn có thể hô hấp nhân tạo cho nạn nhân qua đường mũi.