Các khóa học đã đăng ký

Nhiễm khuẩn sau bỏng ở trẻ - Hậu quả khôn lường? | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Nhiễm khuẩn sau bỏng ở trẻ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây ức chế miễn dịch toàn thân trẻ và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho trẻ nếu vết thương sau bỏng không được vệ sinh đúng cách hàng ngày. Biến chứng của nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính khiến vết bỏng trầm trọng hơn, gây bệnh ở trẻ và thâm chí dẫn tới tử vong.

1. Bỏng là gì?

Bỏng hay phỏng là hiện tượng bề mặt da hoặc các mô khác bị tổn thương do nhiệt, hóa chất, điện hay bức xạ...Bỏng không chỉ đơn thuần là cảm giác bỏng, nóng rát mà còn có thể là những tổn thương da nghiêm trọng khiến những tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc chết đi.

2. Các cấp độ thường gặp của bỏng

Để sơ cứu các vết thương bỏng đúng cách, cha mẹ cần nhận biết được các mức độ bỏng khác nhau. Dựa trên những thương tổn trên da sẽ có 3 cấp độ thường gặp của bỏng:

  • Bỏng cấp độ 1: Da bị tấy đỏ, chưa có sự bong tróc da

  • Bỏng cấp độ 2: Xuất hiện phồng rộp, bề mặt da có mụn nước

  • Bỏng cấp độ 3: Da chuyển màu trắng và diện tích bề mặt da bị phồng rộp lớn

Bình thường những vết thương bỏng của trẻ sẽ rơi chủ yếu vào 3 cấp độ trên. Tuy nhiên, ở những trường hợp đặc biệt, bỏng ở mức độ nghiêm trọng không chỉ có toàn bộ triệu chứng của bỏng độ 3 mà còn gây ra những tổn thương ở thành xương và gân.

Trong đó mỗi cấp độ bỏng lại có những đặc điểm cụ thể sau:

2.1 Bỏng cấp độ 1

Đây là cấp độ đầu tiên của bỏng và bỏng ở cấp độ này thường ít nguy hiểm và tổn thương nhất. Dấu hiệu nhận biết vết bỏng của trẻ ở cấp độ này là:

- Da bị tấy đỏ nhẹ và đau rát

- Chưa xuất hiện phồng rộp và mụn nước

- Vết bỏng nhanh lành và không để lại sẹo

Với bỏng ở cấp độ 1, cha mẹ có thể tự chăm sóc và điều trị cho trẻ bằng những phương pháp đơn giản tại nhà và thường khỏi sau 3-5 ngày.

2.2 Bỏng cấp độ 2

Bỏng cấp độ 2 còn gọi là bỏng dày khu trú. Bỏng ở mức độ này nghiêm trọng hơn mức độ 1, vùng tổn thương sẽ không chỉ là lớp da biểu bì trên cùng với các biểu hiện:

- Da bị tấy đỏ 

- Da xung quanh vết bỏng trở nên trắng khi ấn rồi lại trở về đỏ

- Vết bỏng đau rát và có phồng rộp, sưng kéo dài ít nhất 48h nhưng không vỡ

Với bỏng ở cấp độ 2, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để theo dõi và xử lý. Vết bỏng ở cấp độ này thường sẽ mất khoảng 3 tuần mới lành.

2.3 Bỏng cấp độ 3

Bỏng cấp độ 3 là bỏng ở mức độ nặng nhất gây đau rát và tổn thương tất cả các lớp của da, thậm chí các lớp mỡ, cơ và xương cũng bị ảnh hưởng. Bỏng ở cấp độ này thường có những biểu hiện sau:

- Tổn thương toàn bộ bề dày của da, không có bóng nước vì lớp trên cùng của da đã bị phá hủy

- Vùng da bị bỏng có màu trắng hoặc cháy xém và bắt đầu tổn thương sâu tới cơ và xương

- Để lại sẹo ngay cả khi đã điều trị đúng.

Với bỏng ở cấp độ 3, hãy gọi cứu thương hoặc lập tức đưa trẻ tới bệnh viện và các cơ sở y tế để có thể điều trị đúng cách và kịp thời.

3. Lý do gì khiến những vết thương sau bỏng thường rất nguy hiểm?

Da chính là một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và các tác nhân bên ngoài. Khi trẻ bị bỏng, những tổn thương do bỏng gây ra sẽ phá vỡ lớp hàng rào bảo vệ cơ thể là da, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Với những vết bỏng nặng từ cấp độ 2, khi diện tích bỏng càng lớn thì nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn càng cao.

Sau khi trẻ bị bỏng, chức năng của bach cầu trung tính cũng bị giảm. Bạch cầu trung tính (Neutrophils) có nhiệm vụ giúp chống viêm nhiễm, tiêu diệt các loại vi khuẩn và xử lý các mô bị tổn thương. Do đó, trẻ bị bỏng cũng dễ bị nhiễm khuẩn tại vết bỏng cũng như các vị trí xa vết bỏng. 

4. Nhiễm khuẩn sau bỏng có những biểu hiện gì?

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể dựa vào một số dấu hiệu sau để nhận biết vết bỏng của trẻ bị nhiễm khuẩn:

- Trẻ bị sốt sau bỏng.

Sốt có thể là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã xảy ra ở vết bỏng. Lúc này những tế bào bạch cầu và đại thực bào trong cơ thể sẽ đào thải và tiêu diệt những vi khuẩn lạ xuất hiện làm xơ thể bắt đầu có phản ứng viêm và sốt.

- Vết bỏng thay đổi độ dày từ dày từng phần sang sang dày toàn bộ vết bỏng.

- Vết bỏng xuất hiện dịch màu xanh tại vết thương

- Đau tăng lên

Với những vết bỏng nhẹ thường sẽ có dấu hiệu lành sau không quá 2-3 ngày và dịu dần. Tuy nhiên nếu vết bỏng sau thời gian này không có dấu hiệu giảm đau rát mà cảm giác đau tăng lên thì có khả năng vết bỏng có thể bị nhiễm trùng.

5. Lưu ý

- Khi thấy vết bỏng ở trẻ có những dấu hiệu như ở mục 3, hãy đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế

- Tất cả những trường hợp bệnh nhân bị bỏng cần phải tiêm phòng ngừa uốn ván


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay