Các khóa học đã đăng ký

Hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động như thế nào? | Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Miễn dịch là khả năng của cơ thể nhận ra và loại bỏ các vật lạ (trong miễn dịch học gọi là kháng nguyên). Ở cơ thể con người, miễn dịch có thể chia làm hai loại: miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được. Hai loại miễn dịch này có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

1. Miễn dịch là gì? 

Miễn dịch là khả năng của cơ thể nhận ra và loại bỏ các vật lạ. Các vật là này được gọi là kháng nguyên, các kháng nguyên có thể là vi khuẩn, virus, kí sinh trùng hoặc các phân tử lạ như là các loại thuốc, dịch truyền… 

Có rất nhiều cách phân loại miễn dịch, trong bài viết này, hệ miễn dịch sẽ được phân loại thành miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được.

Miễn dịch tự nhiên là khả năng bảo vệ cơ thể sẵn có, nó có chức năng bảo vệ cơ thể ban đầu khi tiếp xúc với kháng nguyên. Miễn dịch tự nhiên có tính di truyền từ bố mẹ sang con, các miễn dịch này không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với kháng nguyên.

Miễn dịch thu được còn được gọi là miễn dịch đặc hiệu, là trạng thái miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã tiếp xúc với với kháng nguyên (được đưa vào chủ động như vaccine, hoặc bị bệnh do vi khuẩn hay virus xâm nhập). 

2. Miễn dịch tự nhiên hoạt động như thế nào?

Hệ thống miễn dịch tự nhiên được xây dựng bảo rất nhiều hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các kháng nguyên. Hệ thống hàng rào này bao gồm hàng rào vật lý (da và niêm mạc), hàng rào hóa học (các chất tiết như nước mắt, nước bọt, nước mũi…) và hàng rào tế bào (bạch cầu)

2.1 Hàng rào vật lý

Đó là da và niêm mạc có tác dụng ngăn cách môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể. Da khi lành lặn không bị xây xát sẽ ngăn sự xâm nhập của kháng nguyên vào cơ thể thể.

Da gồm nhiều lớp tế bào, lớp ngoài cùng là lớp sừng, luôn luôn bong ra và đổi mới. Tính đàn hồi và chống thấm nước của da cản trở kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể. 

Niêm mạc là một lớp tế bào lót ở các khoang khác nhau phía bên trong cơ thể. Niêm mạc có tính đàn hồi như da và được bao phủ bởi lớp chất nhầy. Chính những đặc tính này đã khiến cho các vi khuẩn hay vật lạ không thể bám vào được tế bào, khiến cho chúng không thể xâm nhập sâu hơn vào cơ thể. Một số niêm mạc như mắt, miệng, tiết niệu thường xuyên được rửa sạch bởi dịch tiết (nước mắt, nước bọt, nước tiểu). Một số niêm mạc khác lại có lông như niêm mạc đường hô hấp lại cản những vi khuẩn hay bụi bẩn và tống ra ngoài thông qua phản xạ ho hay hắt hơi.

2.2 Hàng rào hóa học

Trên da có các chất tiết như acid lactic, acid béo của mồ hôi và tuyến mỡ dưới da làm cho các vi khuẩn không tồn tại được lâu.

Tại niêm mạc, chất nhầy che chở bề mặt niêm mạc không bị tác động của các lại enzym từ vi khuẩn. Nước mắt, nước bọt, nước mũi có nhiều loại enzym làm phân hủy tế bào vi khuẩn. Trong huyết thanh còn chứa rất nhiều chất hóa học như protein phản ứng viêm (CRP), các loại bổ thể tham gia vào quá trình chống kháng nguyên xâm nhập.

2.3 Hàng rào tế bào

Đây là hàng rào quan trọng nhất trong việc chống lại sự xâm nhập của kháng nguyên lạ vào cơ thể. Có thể chia làm đại thực bào và tiểu thực bào.

Đại thực bào là các tế bào mono có khả năng di chuyển từ máu đến các mô để tiêu diệt vi khuẩn hay loại bỏ các kháng nguyên lạ.

Tiểu thực bào là các tế bào bạch cầu đa nhân trung tính, di chuyển trong mạch máu để tìm và tiêu diệt các loại vi khuẩn hay virus.

Quá trình thực bào (loại bỏ kháng nguyên) được chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn phát hiện: vi sinh vật khi vào cơ thể sẽ được các phân tử cảm nhận có trên bề mặt tế bào thực bào phát hiện, giúp cho tế bào thực bào dính vào vi sinh vật này.

- Giai đoạn nuốt: tế bào thực bào bao lấy vi sinh vật rồi đóng kín lại.

- Giai đoạn tiêu: Các chất hóa học trong tế bào thực bào như lysosom sẽ phá vỡ màng vi khuẩn, tiêu diệt các vi sinh vật này.

3. Quá trình viêm

Trên thực tế, khi các tế bào bắt đầu các loại bỏ các vi sinh vật ra khỏi cơ thể thì chúng ta sẽ xuất hiện những phản ứng viêm. Bốn dấu hiệu cơ bản của một vị trí viêm (ổ viêm) sẽ bao gồm sưng, nóng, đỏ và đau:

- Sưng là do ổ viêm căng to do phù nền

- Nóng là do tăng lưu lượng máu đến ổ viêm làm tăng chuyển hóa

- Đỏ là do mạch máu dãn rộng để bạch cầu có thể thoát khỏi mạch đến ổ viêm

- Đau là do sự chèn ép, do dịch viêm hoặc cũng có thể là do các chất trung gian gây đau.

Viêm là một phản ứng hoàn toàn có lợi của cơ thể khi mà hệ miễn dịch loại bỏ các kháng nguyên có hại. Tuy nhiên, nếu phản ứng viêm quá mạnh mẽ có thể gây ra các tổn thương nguy hiểm cho cơ thể. Hãy đến và gặp bác sĩ khi bắt đầu có những phản ứng viêm nặng như sốt, nhiễm toan, nhiễm độc…

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay