Vì sao chúng ta lại bị nhiễm lạnh? | Wellbeing
BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
Thân nhiệt đo ở bề mặt cơ thể thường dưới 37oC, nó bị ảnh hưởng bởi thời tiết và không phản ánh chính xác tình trạng thay đổi nhiệt độ của cơ thể. Do đó, chúng ta chỉ gọi là giảm thân nhiệt khi nhiệt độ trung tâm giảm 1 đến 2oC trở lên.
1. Có mấy loại giảm thân nhiệt?
Giảm thân nhiệt là tình trạng thân nhiệt trung tâm giảm từ 1 đến 2oC trở lên. Cơ chế chung đó là quá trình tạo nhiệt giảm so với quá trình thải nhiệt. Nhiệt độ trung tâm của cơ thể thường khoảng 37oC.
Không phải chỉ có nhiễm lạnh mới được gọi là giảm thân nhiệt. Có 4 loại giảm thân nhiệt bao gồm giảm thân nhiệt sinh lý, ngủ đông nhân tạo, giảm thân nhiệt bệnh lý và nhiễm lạnh
Giảm thân nhiệt sinh lý là tình trạng thường gặp ở động vật ngủ đông, não và trung tâm điều nhiệt bị ức chế dẫn đến tín hiệu về lạnh không được đáp ứng, cơ thể không có phản ứng tạo nhiệt. Kết quả là năng lượng chi phí cho việc duy trì thân nhiệt và sự sống chỉ còn ở mức tối thiểu, giúp cho con vật có thể sống qua mùa đông với lượng thức ăn ít. Ở con người, giảm thân nhiệt sinh lý có thể gặp ở người già do giảm mức độ chuyển hóa. Nhiệt độ ở cơ thể người già có thể giảm nhẹ.
Ngủ đông nhân tạo là phương pháp kết hợp giữa các thuốc ức chế thần kinh trung ương với việc làm lạnh cơ thể. Có thể hiểu rằng các bác sĩ sẽ đưa người vào trạng thái “ngủ đông”. Khi ở trong trạng thái này, năng lượng chỉ cần sử dụng ở mức tối thiểu, cơ thể có khả năng chịu được các tình trạng thiếu oxy, tụt huyết áp, mất máu nặng, chấn thương nặng, shock uốn ván… Nó cho bác sĩ thêm thời gian để áp dụng các biện pháp cứu chữa thích hợp
Giảm thân nhiệt bệnh lý hay gặp nhất là tình trạng nẻ, cước tay, tê cóng. Ngoài ra cảm lạnh gây ra bởi các loại virus hay vi khuẩn ký sinh ở mũi họng hoạt động mạnh khi cơ thể bị lạnh và gây viêm đường hô hấp trên. Tình trạng giảm thân nhiệt toàn thân gặp trong các bệnh như xơ gan, tiểu đường, suy dinh dưỡng, nhiễm mỡ thận, sốc, suy tuyến giáp… Tình trạng này là do quá trình tạo nhiệt bị giảm sút còn mức mất nhiệt thì không tăng.
2. Cơ thể chúng ta bị nhiễm lạnh như thế nào?
Đây là tình trạng bệnh lý làm cho thân nhiệt giảm vì không bù nổi lượng nhiệt đã bị mất. Tình trạng này thường xảy ra khi ở thời tiết lạnh, tuy nhiên có thể xảy ra ở nhiệt độ bình thường nếu cơ thể kém dự trữ năng lượng.
Nhiễm lạnh sẽ gồm 3 giai đoạn chính như sau:
- Ban đầu, cơ thể tăng khả năng tạo nhiệt: glucose (đường) và lipid (mỡ) được huy động để chuyển hóa, quá trình chuyển hóa làm tăng nồng độ các chất đó trong máu, tăng cường chức năng tuần hoàn, hô hấp dẫn đến làm tăng hấp thụ oxy. Các biện pháp hạn chế mất nhiệt cũng được cơ thể áp dụng như co mạch ngoài da, đóng lỗ chân lông, sởn gai ốc, ngừng tiết mô hồi… Nhờ vậy trong giai đoạn đầu khi nhiễm lạnh thì thân nhiệt trung tâm chưa giảm. Run cơ là một biện pháp cấp tốc để sinh nhiệt.
- Tiếp theo là quá trình năng lượng bị cạn kiệt: Nhiệt độ trung tâm sẽ bắt đầu giảm, não bộ bị rơi vào trạng thái ức chế. Cơ thể không còn rét run, cảm giác thờ ơ, buồn ngủ, giảm khả năng tuần hoàn và hô hấp.
- Cuối cùng trung tâm điều nhiệt rối loạn: Dưới 35 độ thì chức năng tạo nhiệt giảm hẳn, cơ thể hạ nhiệt nhanh. Dưới 30 độ C thì trung tâm suy sụp cùng với nhiều phản xạ sinh tồn khác mất hẳn. Tuy rằng trạng thái này có thể giống với ngủ đông nhưng lúc này cơ thể đã cạn kiệt năng lượng để sinh tồn.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây