Các khóa học đã đăng ký

Tiêu hóa thức ăn ở ruột già – đoạn cuối của ống tiêu hóa | Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Ruột già nằm ở đoạn cuối của ống tiêu hóa, có chức năng chủ yếu là tái hấp thu nước, ion Natri và một số chất khoáng khác. Vitamin cũng được hấp thu ở ruột già, một số vitamin khác thì được các vi khuẩn ở đây tổng hợp. 90% chất dịch sẽ được hấp thụ tại ruột già để tạo ra 200 – 250 ml chất phân rắn.

1. Hiện tượng cơ học nào giúp ruột già tiêu hóa thức ăn?

Ở chỗ tiếp nối ruột già với ruột non có một van gọi là van hồi manh tràng. Van này bình thường sẽ đóng, khi áp suất ở ruột non tăng thì van mở ra, khi áp suất ở ruột già tăng thì van đóng lại. Hoạt động tiêu hóa đầu tiên ở ruột già là đóng mở van hồi manh tràng. Khi thức ăn từ ruột non đưa xuống, van hồi manh tràng mở ra. Sau đó, van sẽ đóng lại để ngăn cản sự trào ngược thức ăn từ ruột già vào ruột non.

Các hiện tượng cơ học của ruột già về cơ bản cũng giống với ruột non. Các hoạt động này bao gôm fco bóp phân đoạn và các sóng nhu động. Co bóp phân đoạn giúp cho thức ăn được nhào trộn trong ruột già, đồng thời cũng làm cho thức ăn được tiếp xúc với niêm mạc ruột già từ đó tăng hấp thu. Sóng nhu động thì sẽ góp phần đẩy thức ăn về phía trực tràng.

Đặc biệt, ở ruột già còn có co bóp khối. Đây là hình thức khác của sóng nhu động giúp tạo thành các khối phân. Co bóp này diễn ra như sau: Khi một đoạn ruột già bị căng ra, một co bóp vòng xuất hiện khiến cho phân ở đoạn ruột phía dưới bị ép thành khối. Co bóp tăng dần trong khoảng 30 giây rồi ruột giãn ra trong vòng 2 – 3 phút, một co bóp khác lại xuất hiện ở đoạn ruột xa hơn. Hiện tượng co bóp này chỉ diễn ra trong vòng 10 phút, xuất hiện lại vào nửa ngày hoặc một ngày sau. Nhờ co bóp này mà khối phân được đẩy vào trực tràng làm cho chúng ta có cảm giác muốn đi đại tiện.

Sau bữa ăn thì các co bóp khối tăng lên, ở những người bị loét ruột  già, lúc nào cũng có co bóp khối khiến cho họ luôn có cảm giác muốn đi đại tiện.

2. Động tác đại tiện của cơ thể diễn ra như thế nào?

Bình thường, trực tràng sẽ không có phân do có một cơ thắt ngăn giữa trực tràng và ruột sigma (cả 2 bộ phận này đều nằm trong ruột già). Khi xuất hiện co bóp khối, phân được đẩy vào trực tràng, con người buồn đi đại tiện do có sự co trực tràng và giãn cơ thắt hậu môn.

Có hai loại cơ thắt hậu môn là cơ thắt trong (cơ tròn) và cơ thắt ngoài (cơ vân) bao lấy cơ thắt trong. Cơ này có thể co giãn theo sự chỉ huy của ý thức. Phản xạ thần kinh chi phối việc đại tiện gồm phản xạ nội sinh và phản xạ tống phân phó giao cảm.

Phản xạ nội sinh là khi phân đi vào trực tràng, thành trực tràng bị căng đồng thời ức chế cơ thắt trong khiến cơ này giãn ra. Lúc này, nếu cơ thắt ngoài cũng giãn ra thì xảy ra động tác đại tiện. Tuy nhiên, phản xạ nội sinh thường yếu.

Phản xạ tống phân phó giao cảm là các phản xạ thần kinh khi trực tràng bị kích thích. Các sợi thần kinh phó giao cảm sẽ làm tăng các sóng nhu động và làm giãn cơ thắt trong hậu môn. Ngoài ra, tín hiệu từ phó giao cảm cũng sẽ gây ra động tác “rặn”. Đó là hít sâu, đóng nắp khí quản, co cơ thành bụng, kéo cơ vòng hậu môn ra ngoài để tống phân.

Như vậy là chúng ta đã biết được toàn bộ quá trình tiêu hóa thức ăn của cơ thể từ miệng cho đến trực tràng diễn ra như thế nào. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho quý độc giả. Mọi người có thể đón xem những thông tin hữu ích khác về sơ cấp cứu tại đây.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay