Các khóa học đã đăng ký

Thóp phồng ở trẻ sơ sinh – Những điều cha mẹ đã biết? | Wellbeing

Ngô Thị Sáng | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, xương đỉnh đầu của trẻ chưa khép hết. Vị trí nơi xương chưa khép hết này được gọi là thóp. Thóp ở trẻ sơ sinh gồm thóp trước và thóp sau. Khi sờ đầu trẻ vài tháng tuổi, cha mẹ và người chăm sóc trẻ sẽ thấy có chỗ mềm ở vùng mỏ ác, phập phồng nhẹ. Đó gọi là thóp phồng.

1. Thóp trẻ sơ sinh có cấu trúc và chức năng như thế nào?

Khi trẻ sơ sinh chào đời, hệ thống xương của trẻ vẫn chưa hoàn thiện và phát triển như của người lớn. Xương sọ của trẻ cũng vậy.

Thóp trẻ sơ sinh hay còn gọi là cửa đỉnh đầu được phân làm hai phần là thóp trước và thóp sau. Trong đó phần thóp trước là khe hở giữa xương trán và xương đỉnh đầu, có hình thoi. Phần thóp sau là khe hở giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm và có hình tam giác.

Cấu trúc của thóp có dạng màng sợi để gắn kết các mảng xương đầu lại với nhau. Nhờ cấu trúc màng sợi này mà kích thước và hình dạng đầu của trẻ có thể thay đổi dễ dàng trong quá trình mẹ sinh trẻ. 

Trong giai đoạn đầu đời, trẻ rất dễ bị thương, nhất là khi trẻ học lẫy, bò, ngồi, đứng và tập đi. Những va đập rất dễ xảy ra trong giai đoạn này, đặc biệt là những va đập ở khu vực đầu. Trong những tình huống này, thóp đóng vai trò quan trọng như một cái đệm bảo vệ não trẻ khỏi những chấn động/va chạm từ bên ngoài tác động lên đầu trẻ.

2. Thóp trẻ sẽ đầy khi nào?

Xương sọ của trẻ sẽ dần phát triển và thường sẽ đóng kín hoàn toàn trước 24 tháng tuổi. Trong đó, thóp sau lúc sinh ra đã gần như khép lại hoặc nhỏ chỉ bằng đầu móng tay. Thóp này thường đóng rất sớm, khoảng sau 4 tháng đã khép kín. Thóp trước của trẻ thường rộng ra trong thời gian từ tuần thứ 2 đến tháng thứ 3 sau đó sẽ dần đóng lại. Thông thường thóp trước của trẻ đóng khi trẻ được 14 tháng tuổi. Tuy nhiên thóp trước có thể đóng bất kỳ khi nào trong khoảng thời gian từ 4-26 tháng (hoặc 3 – 24 tháng tùy vào tài liệu và tùy nghiên cứu).

Nếu sau 2 tuổi mà trẻ vẫn còn thóp phía trước thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bác sĩ để được thăm khám và đánh giá cụ thể tình trạng.

3. Thóp trẻ sơ sinh bị phập phồng – Những điều cha mẹ cần biết

Thóp trẻ sơ sinh bị phập phồng có thể do các nguyên nhân sau:

- Vùng thóp của trẻ tạm thời chưa được lấp kín bằng xương

- Thóp của trẻ được bảo vệ bằng 3 lớp vỏ bọc, giữa các lớp là các chất dịch lỏng có vai trò giảm chấn động cho bé. Chính chất dịch này khiến cha mẹ và người chăm sóc trẻ có cảm giác thóp của trẻ bị phập phồng.

- Thóp trẻ bị phập phồng còn có thể do trẻ có thóp rộng. Với trường hợp này cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý vì có thể hiện tượng này liên quan tới các bệnh lý như còi xương, xuyết huyết não, viêm màng não…

Tóm lại, thóp trẻ sơ sinh là bộ phận cơ thể rất nhạy cảm. Thóp bị phập phồng có thể là do sinh lý nhưng cũng có thể liên quan tới một số bệnh lý nào đó.  Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu bất thường để kịp thời phát hiện và có cách khắc phục kịp thời.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay