Các khóa học đã đăng ký

Thoát vị đĩa đệm và những cách phòng ngừa| Wellbeing

Nguyễn Thị Hiên| Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

thoat-vi-dia-dem-wellbeing

Thoát bị đĩa đệm có thể do yếu tố di truyền, nhưng tỷ lệ này chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Hầu hết thoát vị đĩa đệm xảy ra khi chúng ta có các chấn thương cột sống, chấn thương vùng lưng. Lối sống sinh hoạt với những thói quen không tốt như : ngồi sai tư thế, không thường xuyên vận động, ăn uống thừa chất dẫn tới béo phì,… Do đó, nếu thay đổi các thói quen sinh hoạt, các lưu ý khi làm việc, chúng ta hoàn toàn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.

1.Thoát vị đĩa đệm có những dấu hiệu như thế nào ?

Khi có những dấu hiệu sau, chúng ta có thể đặt ra các giả thiết rằng chúng ta bị thoát vị đĩa đệm. Các dấu hiệu này có thể diễn ta trong một thời gian dài:

– Đau nhức vai gáy và vùng thắt lưng; đau tại chỗ hoặc lan ra nhiều các bộ phận trên cơ thể như vùng hông, đau từ mông kéo xuống đùi, chân, bắp chân, bàn chân; đau đầu, cánh tay, bàn tay…

– Cơn đau hay tái phát, lúc đau âm ỉ lúc đau dữ dội như kim châm; đau nhiều hơn khi ho và hắt hơi…

– Cảm giác chân tay bị tê, ngứa ran như kiến bò, kim châm; thỉnh thoảng bị căng cơ, chuột rút

– Ngồi lâu, đứng lâu khiến cơn đau trở nên trầm trọng, khó chịu

– Việc cử động tay, chân, cầm nắm đồ vật, di chuyển đi lại khó khăn hơn

– Rối loạn vận động, rối loạn dây thần kinh thực vật

– Chức năng tình dục suy giảm

– Đau mỏi khắp người, mất ngủ, chán ăn; sức khỏe giảm sút

2.Làm thế nào để phòng ngừa được thoát vị đĩa đệm

Dựa trên nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây:

2.1.Thực hiện các tư thế đúng trong sinh hoạt hằng ngày 

Các tư thế đúng là các tư thế chúng ta nên tuân theo khi chúng ta đi, ngồi, mang vác các vật nặng… Việc thực hiện và duy trì các tư thế đúng sẽ giúp chúng ta hạn chế được nguy cơ mắc bệnh. Các tư thế đúng bao gồm:

Tư thế đứng

Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống. Không nên đứng ở những tư thế cố làm cho thân mình dài ra đặc biệt là dùng giày hoặc guốc cao gót.

Tư thế ngồi

Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Có thể kê một gối mỏng vùng thắt lưng để giữ đường cong bình thường của đoạn này.

Tư thế bê hoặc nâng đồ vật lên

Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác, cụ thể như sau:

  • Hai bàn chân cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc

  • Ngồi xổm xuống (gấp khớp gối và khớp háng, không cúi gấp cột sống)

  • Bê đồ vật vào sát bụng, căng cơ bụng ra.

  • Nâng đồ vật lên bằng cách đứng dậy (không dùng cơ thắt lưng để nâng).

  • Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn.

  • Độ ưỡn của đoạn thắt lưng vẫn được duy trì ở mức bình thường

Tư thế bê và mang đồ vật đi

thoat-vi-dia-dem-wellbeing

Khi muốn bê và mang một vật nào đó đi chỗ khác, chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình cũng như vị trí và khoảng cách của vật đó đối với cơ thể. Một số vấn đề cần chú ý như sau:

  • Bê vật đó lên như đã hướng dẫn ở trên

  • Ôm chắc vật cần mang đi bằng hai tay.

  • Giữ đồ vật đó sát vào bụng, ở mức ngang Ngực - Thắt lưng.

  • Giữ cột sống thẳng, giữ đoạn thắt lưng ở độ ưỡn bình thường

  • Bước đi bình thường, thoải mái, không bước xiêu vẹo, xoắn vặn

Tư thế lấy đồ vật ở trên cao

Khi muốn lấy đồ vật

  • Nếu đồ vật để cao quá nên dùng bục, ghế hoặc thang để đứng lên.

  • Không cố để với lấy đồ vật bằng cách kiễng chân lên.

  • Thu xếp đồ dùng xung quanh cho có diện tích đủ rộng để không phải với lấy đồ vật qua bàn, qua tủ, ở tư thế không thoải mái

Tư thế kéo hoặc đẩy đồ vật đi

Nên di chuyển đồ nặng bằng cách đẩy hơn là kéo

Nếu có thể chọn nên dùng cách đẩy hơn là kéo, nhất là với những đồ vật to, nặng. Khi kéo hoặc đẩy cũng cần lưu ý đến tư thế của cột sống và các khớp, khoảng cách giữa hai chân, các động tác phối hợp như sau:

  • Hai chân đứng cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc

  • Hai gối hơi gấp

  • Kéo hoặc đẩy trọng lượng của cơ thể trên hai chân để tạo nên lực kéo hoặc đẩy đồ vật đó đi. Không đẩy hoặc kéo đồ vật đó bằng cơ lưng.

  • Giữ độ ưỡn của đoạn thắt lưng ở mức bình thường.

2.2.Thói quen ăn uống 

Cân nặng cơ thể là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm. Việc ăn uống thừa chất : chất đạm, chất béo, .. là nguyên nhân khiến chúng ta béo phì . Do đó chúng ta cần phải cân bằng dinh dưỡng, không nên ăn quá thừa chất, thường xuyên ăn nhiều các chất xơ, rau xanh,.. để cân nặng được ổn định và có thể lực tốt nhất.

Trên đây là những kiến thức về các dấu hiệu và cách phòng ngữa bệnh thoát vị đĩa đệm. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích và thiết thực.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Xem thêm:

Thoát vị đĩa đệm - Những nguyên nhân không ngờ ?


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay