Các khóa học đã đăng ký

Những sự thật về cúm bạn cần biết!| Wellbeing

Cúm lây bệnh thế nào?

Virus cúm có thể lây qua nhiều con đường khác nhau. Người mắc cúm có thể lây trực tiếp cho người lành khi hắt hơi, ho hay nói chuyện gần.

Virus có thể tồn tại trên đồ vật từ hai đến tám giờ. Nếu chạm tay lên bề mặt đồ vật có virus cúm trên đó, như bàn phím máy tính hay tay nắm cửa, rồi chạm lên niêm mạc mắt, mũi hay miệng của bản thân, bạn cũng có thể mắc cúm.

Có thể tiêm phòng cúm mùa để tạo miễn dịch cho cơ thể với cúm. Mặc dù vậy virus cúm thay đổi hàng năm nên bạn cũng cần tiêm vaccine hàng năm. Tiêm vaccin giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại một số chủng virus cúm nhất định qua đó ngăn ngừa mắc cúm.

Sau khi tiêm vaccin vẫn có thể nhiễm cúm nếu tiếp xúc các chủng cúm khác nhưng các triệu chứng xuất hiện sẽ giảm nhẹ hơn. Điều này giải thích là do các chủng virus cúm khác nhau vẫn có những đặc điểm chung về mặt cấu tạo, giúp vaccin cúm vẫn có tác dụng nhất định.

Có thể đến các bệnh viện hoặc trung tâm y tế để tìm hiểu thông tin về vaccin cũng như tiêm phòng cúm.

Các phương pháp điều trị cúm không dùng thuốc

Nếu không điều trị thông thường cúm có thể tự khỏi sau một tuần. Trong thời gian này có thể áp dụng một số phương pháp điều trị giảm nhẹ triệu chứng.

Thuốc kháng virus theo đơn bác sĩ có tác dụng giảm mức độ nặng cũng như giảm thời gian tồn tại triệu chứng. Các phương pháp điều trị triệu chứng cũng rất có ích trong điều tị cúm.

Có thể sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như:

- Cháo: cháo nóng có tác dụng giảm viêm họng cũng như bù dịch và điện giải. Một số nghiên cứu chỉ ra cháo còn có tác dụng thay đổi tốc độ hồng cầu trong máu qua đó làm giảm quá trình viêm.

- Mật ong: là một nguyên liệu thiên nhiên có trong rất nhiều bài thuốc chữa ho và cảm lạnh. Mật ong có tác dụng giảm ho rất tốt chỉ với một thìa nhỏ pha với trà hoặc nước ấm.

- Gừng: có tác dụng giảm đau do viêm họng, giảm ho, giảm cảm giác buồn nôn. Chỉ cần hòa một vài lát gừng với trà hoặc nước ấm để uống.

- Men vi sinh: tăng cường hệ vi khuẩn có ích trong đườn ruột, qua đó tăng cường hệ miễn dịch chống lại tình trạng viêm nhiễm, tăng khả năng hồi phục.

Nghỉ ngơi cũng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Ngừng làm việc, ngủ đủ giấc, cho cơ thể bạn thời gian để hệ miễn dịch chống lại các nhân tố viêm nhiễm xâm nhập vào cơ thể.

Thuốc điều trị triệu chứng

Các loại thuốc điều trị triệu chứng không có tác dụng điều trị tận gốc căn nguyên virus mà chỉ giảm các triệu chứng, bao gồm:

- Thuốc co mạch: có tác dụng sưng nề, sung huyết, giúp dịch đọng trong khoang mũi đào thoát dễ dàng, làm cho mũi thông thoáng và dễ thở hơn. Thuốc co mạch có thể ở dạng phun hít hoặc dạng uống.

- Thuốc giảm ho: ho nhiều về đêm là một triệu chứng phổ biến của cúm. Các loại thuốc giảm ho có tác dụng giảm kích thích ho, giảm đau họng, có thể sử dụng dưới dạng dung dịch uống hoặc viên ngậm.

- Thuốc long đờm: có tác dụng làm loãng đờm và dịch nhầy trong đường hô hấp qua đó dễ tống ra ngoài bằng phản xạ ho.

- Thuốc kháng histamin: thường được sử dụng trong các trường hợp cảm lạnh hoặc dị ứng và không thể áp dụng điều trị với tất cả mọi người. Trong một số trường hợp thuốc có tác dụng giảm các triệu chứng chảy nước mắt, nước mũi, làm dịu và an thần nếu triệu chứng liên quan đến dị ứng.

Các loại thuốc điều trị triệu chứng có thể ở dạng kết hợp trong cùng một biệt dược và không nên sử dụng kèm các loại thuốc khác để tránh nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.

Tiêm vaccin cúm cho trẻ em: những điều cần lưu ý

Hàng năm, số lượng trẻ mắc cúm lên đến hàng trăm nghìn. Không ít trong số đó là các trường hợp nghiêm trọng cần nhập viện điều trị, thậm chí có một tỉ lệ trẻ tử vong do cúm.

Trẻ em mắc cúm thuộc nhóm nguy cơ cao hơn so với người lớn, đặc biệt với trẻ nhỏ dưới năm tuổi thường cần sự chăm sóc về y tế. Các trường hợp tiến triển nặng thường xảy ra ở trẻ dưới hai tuổi. Trẻ có tiền sử bệnh mãn tính như hen hay đái tháo đường cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm. Hãy đến khám bác sĩ ngay khi nghi ngờ trẻ mắc cúm hoặc xuất hiện các triệu chứng.

Cách bảo vệ trẻ tốt nhất là tiêm phòng cúm hàng năm. Thời điểm phù hợp để bắt đầu tiêm vaccine cúm cho trẻ là sáu tháng tuổi. Bác sĩ tiêm chủng sẽ tư vấn cho phụ huynh trước khi tiêm cho trẻ.

Trẻ dưới sáu tháng tuổi không nên tiêm vaccin do hệ miễn dịch chưa phát triển. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng cho người chăm sóc trẻ cũng như những người thân tiếp xúc với trẻ trong gia đình.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay