Các khóa học đã đăng ký

Đau dạ dày – Những biểu hiện chớ coi thường| Wellbeing

Nguyễn Thị Hiên| Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

da-day-wellbeing

Đau dạ dày là một bệnh lý phổ biến. Đau dạ dày nếu không phát hiện sớm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, đặc biệt là các biến chứng. Vậy đau dạ dày thường có những dấu hiệu nào?

1.Giải phẫu dạ dày

da-day-wellbeing

- Dạ dày là đoạn phình to nhất của ống tiêu hóa, phía trên nối với thực quản, phía dưới nối với tá tràng.

- Với đặc trưng co giãn nên dạ dày không có hình dạng nhất định, tùy thuộc vào lượng thức ăn đưa vào cơ thể, tư thế, tuổi tác, giới tính…

Về cấu trúc dạ dày gồm có 4 phần chính :

  • Tâm vị : Là điểm nối thực quản với dạ dày, thức ăn từ thực quản đi qua tâm vị để vào dạ dày, không có van đóng kín mà chỉ có nếp niêm mạc.

  • Đáy vị: Có hình vòm, nằm ở phía dưới cơ hoành, bên trên và bên trái so với tâm vị.

  • Thân vị: Nằm ở dưới đáy vị, là phần chính của dạ dày.

  • Môn vị: Có hình chiếc phếu giúp nối dạ dày với tá tràng. Cơ thắt môn vị (một loại cơ trơn) nằm ở cuối của chỗ nối giữa dạ dày với tá tràng. Lỗ môn vị nằm ở bên phải đốt sống L1.

Mặt ngoài lồi của dạ dày có tên là bờ cong lớn, mặt trong lõm là bờ cong nhỏ. Dạ dày tuy di động nhưng được treo tại chỗ nhờ các mạch của phúc mạc như mạc nối nhỏ, mạc nối lớn, các dây chằng vị hoành, vị lách và vị kết tràng.

  • Mạc nối nhỏ: Kéo dài từ gan đến bờ cong nhỏ

  • Mạc nối lớn: Mạc nối lớn: Kéo dài từ bờ cong lớn đến thành bụng sau

Cấu tạo dạ dày bao gồm 5 lớp :

  • Lớp thanh mạc: Nằm ngoài cùng thuộc lá tạng phúc mạc

  • Tấm dưới thanh mạc: Là tổ chức liên kết rất mỏng, gần như dính chặt vào lớp cơ trừ ở gần 2 bờ cong vị dễ bị bóc tách hơn vì tổ chức này dày lên nhờ chứa mỡ và các mạch thần kinh.

  • Lớp cơ: Để thích ứng việc nhào trộn thức ăn lớp cơ vòng của dạ dày có thêm các sợi chéo. Kể từ ngoài vào trong có 3 lớp: cơ dọc, cơ vòng, cơ chéo

  • Tấm dưới niêm mạc: Là tổ chức liên kết rất lỏng lẻo nên dễ bị xô đẩy.

  • Lớp niêm mạc: là lớp lót mặt bên trong của dạ dày.

2.Các dấu hiệu nhận biết dạ dày có vấn đề 

Khi cơ thể có những dấu hiệu sau đây, thì chúng ta có thể đứng trước nguy cơ bị các vấn đề về dạ dày:

  • Bụng cồn cào hoặc đau rát: Bạn sẽ cảm thấy vùng thượng vị bị nóng rát. Cơn đau xuất hiện bất chợt từ vùng trên rốn với tần suất và mức độ ngày càng tăng gây nên những cơn đau đớn. Cơn đau có thể nhiều hơn hoặc ít đi khi ăn tùy thuộc vào vị trí vết loét.

  • Nôn và buồn nôn: Đây là triệu chứng thường gặp ở đại đa số người bệnh đau bao tử, có thể dẫn tới nguy cơ rách thực quản, tổn thương niêm mạc.

  • Chán ăn, suy nhược cơ thể: Thường biểu hiện bằng cảm giác kém ăn, ăn không ngon miệng do chức năng hệ tiêu hóa không ổn định, kèm theo đó là dấu hiệu đắng miệng, mất cảm giác mùi vị. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý về gan, thận, rối loạn tâm thần nên cần khám xét cẩn thận trước khi điều trị.

  • Đầy bụng: Bụng đầy, trướng, khó tiêu sau ăn là biểu hiện của bệnh đau bao tử. Biểu hiện này khiến người bệnh khó chịu, mất ngủ không dám ăn đủ lượng thức ăn cần thiết.

  • Đi ngoài phân đen, nôn ra máu: Đây là triệu chứng xảy ra khi bao tử bị tổn thương gây vỡ thành mạch máu chảy vào bao tử và ống tiêu hóa.

          Trên đây là những dấu hiệu phổ biến bạn có thể có nguy cơ đau dạ dày. Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm cho mình những kiến thức hữu ích và thiết thực.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây

Xem thêm : 

5 nguyên nhân đau dạ dày bạn không ngờ 

 


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay