Các khóa học đã đăng ký

Cơ bắp của chúng ta hoạt động như thế nào? (Phần 1) | Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ  cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Sự vận động của cơ thể dựa trên các cơ. Cơ của chúng ta gồm ba loại: Cơ xương (cơ vân), cơ trơn (cơ tạng) và cơ tim. Cơ vân gắn vào xương gây ra các cử động của cơ thể, cơ trơn tạo ra các cử động của tạng bên trong cơ thể. Ở phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cơ xương.

1. Cấu tạo của cơ xương

Cơ xương còn được gọi là cơ vân vì khi nhìn dưới kính hiển vi, các sợi cơ có những dải sáng và tối xen kẽ tạo thành các vân. Cơ xương thực hiện các động tác co cơ theo ý muốn của chúng ta. Tuy nhiên, hầu hết các cơ xương cũng vẫn động không theo ý muốn ở một chừng mực nào đó. Chẳng hạn như chúng ta không để ý rằng cơ hoành giúp mình hít thở như thế nào cho đến khi thử nhịn thở, hoặc các phản xạ duỗi sau khi co cơ.

Mỗi cơ có 2 đầu để bám vào xương. Ở giữa hai đầu bám này là bụng cơ. Bụng cơ do các sợi cơ và các mô liên kết tạo nên. Các sợi cơ sẽ xếp thành từng bó, nhiều bó cơ sẽ tạo thành một cơ. Mỗi sợi cơ, bó cơ hay toàn bộ cơ đều có một màng mô liên kết. Điều này giúp cơ tạo thành một thể thống nhất khi vận động và hạn chế các tổn thương có thể xảy ra. 

Hai đầu bám của cơ còn được gọi là gân. Gân hoàn toàn do mô liên kết tạo nên, chủ yếu là collagen. Gân không thể co rút được, nó chỉ truyền lực co của bụng cơ tới xương hoặc các cấu trúc khác. Cấu trục mạch máu nuôi dưỡng cho gân cũng khá nghèo nàn. Do đó, những tổn thương ở gân cần nhiều thời gian để lành lại hơn so với cơ.

2. Sự phối hợp giữa các cơ.

Một động tác nào đó của chúng ta cũng là kết hợp của nhiều cơ. Các cơ xương được xếp thành những cặp đối kháng nhau nhau như gấp – duỗi, giạng – khép… Trong các cặp cơ đối kháng nhau này, sẽ có một cơ chủ vận, thực hiện các động tác mong muốn. Cơ còn lại là cơ đối kháng sẽ giãn ra theo động tác ngược lại của cơ chủ vận. 

Cơ chủ vận và cơ đối kháng thương nằm ở hai phía đối ngược nhau của một xương hợp khớp. Ví dụ như cơ gấp các ngón tay sẽ nằm ở mặt trong cẳng tay, cơ duỗi các ngón tay sẽ nằm ở mặt ngoài của cẳng tay.

3. Cơ nhanh và cơ chậm

Các loại cơ khác nhau thường có thời gian co cơ khác nhau. Các sợi cơ co rút chậm chủ yếu được sử dụng trong các hoạt động mang tính chịu đựng. Các sợi cơ co rút nhanh thì chỉ hoạt động khi chúng ta phải dùng hơn 25% năng lực của bản thân.

Ví dụ, các cơ nhãn cầu phải co rút rất nhanh để mắt cố định khi nhìn. Khi chúng ta dành một giờ để đọc một cuốn sách, đôi mắt tạo ra gần 10.000 chuyển động phối hợp. Cơ bụng chân phải co tương đối nhanh để chân có thể chạy hoặc nhảy trong khi cơ gan bàn chân thì chỉ cần co chậm để liên tục đỡ cho cơ thể chống lại trọng lực.

Hiểu và luyện tập đúng cách sẽ giúp cho hệ cơ của chúng ta phát triển. Các cơ to ra sẽ nâng sức chịu lực của đầu gối và lưng, qua đó giảm tải cho các khớp xương trong việc chịu lực của toàn bộ cơ thể.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay