Các khóa học đã đăng ký

Chức năng trong cơ thể thay đổi như thế nào khi bị sốt | Wellbeing

BS Nguyễn Hoàng Nguyên | Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing

Sốt là sự tăng nhiệt độ của cơ thể, dưới sự tác động của các tuyến nội tiết trong cơ thể và độc tố của vi khuẩn, làm thay đổi chức năng của nhiều cơ quan. Tuy nhiên, trong hầu hết các cơn sốt thì sự thay đổi đó mang tính thích nghi và bảo vệ, hiếm khi đến mức rối loạn chức năng mà chúng ta phải can thiệp.

1. Thay đổi chức năng thần kinh

Qua các thí nghiệm gây sốt ở nhiệt độ từ 38 đến 39oC thì tình nguyện viên không gặp các biểu hiện thần kinh như nhức đầu, chóng mặt mà chỉ thấy cảm giác buồn ngủ. Điều này nói lên rằng vỏ não có thể bị ức chế trong khi sốt. Ở trường hợp sốt cao hơn, bắt đầu xuất hiện các biểu hiện uể oải, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt và có thể là co giật hay hôn mê. Các biểu hiện này tương tự với người bị say nóng, tuy nhiên ở cùng một nhiệt độ với người say nóng thì các biểu hiện thần kinh của người sốt lại nhẹ hơn và dễ chịu đựng hơn. Biểu hiện thần kinh khi bị sốt cũng khác nhau ở các độ tuổi, ví dụ người lớn sẽ không bị co giật khi sốt hơn 40oC nhưng trẻ dưới 2 tuổi thì có thể bị co giật ngay từ 38,5oC.

2. Thay đổi chức năng tuần hoàn

Khi nhiệt độ cơ thể tăng 1oC thì sẽ làm nhịp tim tăng từ 8 – 10 nhịp/phút, một cơn sốt 40 đến 41oC chỉ làm tăng thêm 24 đến 30 nhịp tim (ngang với người lao động nhẹ). Mặc dù có tăng nhịp tim, tuy nhiên khi sốt cơ thể cũng giãn mạch do đó huyết áp trên thực tế không tăng. Trong giai đoạn cơ thể đào thải nhiều nước (toát mồ hôi) có thể xảy ra tình trạng hạ huyết áp tư thế nếu đứng dậy đột ngột. Nếu bị sốt rất cao và kéo dài thì sẽ gây rối loạn cho tim, đặc biệt là trong những trường hợp người có nhịp tim nhanh hay trẻ nhỏ.

3. Thay đổi chức năng hô hấp

Người bệnh sẽ tăng tần số hít vào để đáp ứng nhu cầu oxy bị thiếu và tăng thở ra để giảm lượng CO2 tích tụ trong máu. Ngoài ra, một số sản phẩm axit trong máu (do chuyển hóa dang dở tạo thành) cũng có thể làm tăng hô hấp của người bệnh. Bên cạnh tác dụng là tăng trao đổi chất, thay đổi chức năng hô hấp cũng giúp thải bớt một số nhiệt lượng qua hơi thở. Tuy nhiên tăng thông khí ở nhiệt độ cao cũng làm mất một lượng lớn nước dẫn tới khô miệng và mũi họng, tạo cảm giác khát.

4. Thay đối chức năng tiêu hóa

Cơn sốt sẽ khiến hệ tiêu hóa giảm chức năng, mức độ giảm nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào nhiệt độ tăng ít hay nhiều trong cơn sốt. Các biểu hiện của sự suy giảm này bao gồm giảm tiết dịch tiêu hóa (nước bọt, dịch dạ dày, dịch tụy, mật, ruột) làm chán ăn và khó tiêu, giảm co bóp và giảm nhu động khiến lâu tiêu, đầy bụng và giảm hấp thu dẫn đến táo bón. 

5. Thay đổi chức năng miễn dịch

Sốt làm tăng các yếu tố sinh sản tế bào thực bào (bạch cầu đa nhân trung tính). Khả năng thực bào của các tế bào này cũng tăng rõ rệt trong sốt, thông qua nhiệt độ cao và sự sản xuất các yếu tố kích thích thực bào.

6. Một số thay đổi chức năng khác

Thay đổi nội tiết góp phần thực hiện chức năng đề kháng và bảo vệ cơ thể của sốt. Các hormone tham gia vào quá trình gây sốt là thyroxin, adrenalin, noradrenalin làm tăng chuyển hóa, tăng thân nhiệt. Cortison và ACTH là hormone chống viêm và chống dị ứng.

Trong sốt, chuyển hóa tại gan tăng rõ rệt như tăng quá trình chuyển hóa glucid thành glucose, tăng tổng hợp protein…

Thay đổi chức năng tiết niệu do sự thay đổi của nội tiết và tuần hoàn cũng như tác động của các chất chuyển hóa trong cơ thể. Ban đầu có thể giảm, sau đó sẽ hồi phục nhanh chóng.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay