Chấn thương ngực ở trẻ bố mẹ cần biết những gì? | Wellbeing
BS Lưu Thị Minh Trang – Chuyên viên tập huấn Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing
Lồng ngực của trẻ được hình nên bởi 12 đốt sống đoạn ngực ở sau, 12 đôi xương sườn ôm lấy các cơ quan vô cùng quan trọng của cơ thể là phổi và tim cùng với phía trước là xương ức. Vì có chức năng bảo vệ những cơ quan liên quan trực tiếp tới sự sống của cơ thể, nên các xương sườn có cấu trúc tương đối đàn hồi nhưng cũng không kém phần vững chắc. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với trẻ ở vị trí quan trọng này. Vậy nên bố mẹ hãy cùng chuyên viên của Wellbeing tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về chấn thương loại này qua bài viết dưới đây.
1. Những tổn thương nào có thể gặp phải khi trẻ bị chấn thương tại vùng ngực?
Tùy thuộc vào vị trí tác động, lực tác động cũng như cơ chế chống đỡ của cơ thể khi xảy ra tai nạn, cơ thể trẻ sẽ gặp những tổn thương khác nhau tại ngực, các tổn thương này có thể nặng hoặc nhẹ khác nhau nhưng nói chung những chấn thương tại vùng ngực đều được xếp vào loại những cấp cứu ngoại khoa. Vì vậy, chưa cần biết có tổn thương gì bố mẹ cũng phải ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được kiểm tra và xử trí chuyên sâu sau khi thực hiện những bước sơ cấp cứu được khuyến cáo phía dưới.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ, các xương có tính đàn hồi hơn do có màng xương tương đối dày, công với tỷ lệ sụn nhiều hơn tại xương sườn, nên các chấn thương tại ngực của trẻ thường sẽ không gây nên gãy xương mà chủ yếu sẽ là các chấn thương kín bên trong. Các tổn thương trẻ có thể gặp phải khi gặp một chấn thương vào vùng ngực là:
Gãy xương sườn: trẻ có thể đau nhiều khi hít thở, và đau chói tại vị trí gãy xương (bố mẹ dễ dàng tìm được vị trí này theo lời mô tả của trẻ và dùng ngón tay trỏ ấn dọc theo xương sườn từ trước ra sau và cảm nhận sự mất liên tục hoặc gồ lên của xương để tìm chính xác vị trí . Lưu ý nếu trẻ đau, không có gắng làm thao tác này).
Mảng sườn di động: là một thể gãy xương đặc biệt, trong đó có ít nhất 3 xương sườn liền nhau bị gãy ở cả 2 đầu và các điểm gãy ở mỗi đầu đều nằm gần như trên cùng một đường thẳng. Mảng xương sườn gãy này sẽ di động ngược chiều so với sự hô hấp chung của lồng ngực: khi hít vào toàn bộ lồng ngực nở ra, mảng sườn di dộng thì tụt vào và ngược lại. Điều này làm cản trở đáng kể sự hô hấp và là một trường hợp rất nặng trong ngoại khoa, trẻ có thể suy hô hấp và suy tuần hoàn rất nhanh.
Tràn khí dưới da: thường do xương sườn gãy chọc vào gây rách màng phổi (màng phổi là một lớp màng mỏng, chắc phủ lên toàn bộ mặt ngoài của phổi cũng như thành lồng ngực, tạo thành 2 lá tách biệt nhau, giữa 2 lá này bình thường sẽ không có khí hay dịch nó được gọi là một khoang ảo) và nhu mô phổi, khí từ phổi tràn ra ngoài qua vết rách để vào các tổ chức dưới da thành ngực. Vùng ngực bị tràn khí thường bị biến dạng, phồng to, khi ấn vào vùng này sẽ có tiếng “lép bép” như bong bóng nhỏ vỡ, đây là dấu hiệu vô cùng đặc trưng của tổn thương này
Ngoài ra sẽ có một số tổn thương khác chuyên sâu hơn như: tràn máu màng phổi, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất,…. Các tổn thương này sẽ được chẩn đoán từ bác sĩ khi trẻ vào viện điều trị.
2. Vậy những tác động thế nào gây nên chấn thương tại ngực:
Có nhiều cơ chế tác động gây nên chấn thương, về cơ bản được chia làm 2 loại là cơ chế trực tiếp và cơ chế gián tiếp:
Cơ chế trực tiếp: do va đập, va vào vât tù hay bị vật tù đánh vào, ngã từ trên cao xuống,…
Cơ chế gián tiếp: là do ngực bị ép giữa 2 lực như bị tủ đè khi trẻ cố gắng trèo lên kệ tủ không được cố định chắc chắn, tủ đổ vào người khi trẻ ngã xuống đất, trường hợp này rất hay gặp và đã có rất nhiều những hình ảnh cũng như các clip về tai nạn này khi bố mẹ để trẻ tự chơi một mình.
3. Bốn bước sơ cấp cứu chấn thương ngực:
Nếu chấn thương ngực không gây chảy máu, bố mẹ hãy để hở vết thương, không băng lại.
Bước 1: Gọi cứu thương ngay khi bố mẹ phát hiện trẻ bị chấn thương tại vùng ngực để được sự trợ giúp y tế khẩn cấp. Hãy luôn nhớ chấn thương ngực là một cấp cứu ngoại khoa.
Bước 2: Đỡ trẻ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi (kê dưới lưng trẻ gối mềm), tư thế này sẽ hỗ trợ hô hấp cho trẻ.
Bước 3: Nếu thấy vết thương chảy máu, ép trực tiếp lên vết thương bằng bàn tay và một miếng gạc y tế bản to (rất dễ tìm mua tại các cửa hàng thuốc). Đỡ trẻ ở tư thế như vậy cho đến khi có sự trợ giúp y tế.
Bước 4: Theo dõi nhịp thở, mạch và mức độ đáp ứng của trẻ trong khi đợi xe cứu thương.
Chú ý:
Theo dõi các dấu hiệu của sốc
Nếu trẻ bất tỉnh, hãy mở đường thở. Nếu trẻ còn thở, đặt trẻ ở tư thế hồi phục; nếu trẻ không thở, bắt đầu CPR ngay.
Nếu cần đăt trẻ ở tư thế hồi phục, hãy đặt trẻ nằm nghiêng về phía bị thương để đỡ lồng ngực và giúp phổi hoạt động tốt.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây