CẢM LẠNH VÀ CẢM CÚM: TƯỞNG MỘT MÀ HAI! (P2) | WELLBEING
Bài viết được viết bởi Trịnh Hương Ly | Chuyên gia tập huấn dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing
Cúm có thể được điều trị và cũng có thể phòng ngừa bằng vaccine, tuy nhiên không phải ai cũng quan tâm đến vaccine và có cách điều trị đúng cách.
Vaccin cúm hoạt động như thế nào?
Để điều chế vaccin, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu chủng cúm phổ biến nhất trong mùa dịch và tiến hành điều chế. Hàng triệu mũi vaccin sẽ được sản xuất và phân phối. Khi tiêm vaccin, cơ thể sẽ sản xuất ra kháng thể chống lại chủng virus cúm trong vaccin đó. Những kháng thể này có vai trò bảo vệ cơ thể không bị nhiễm cúm khi tiếp xúc với nguồn lây sau này.
Sau khi tiêm vaccin vẫn có thể nhiễm cúm do các chủng cúm khác nhưng các triệu chứng xuất hiện sẽ nhẹ hơn.
Ai nên tiêm vaccin?
Lời khuyên của bác sĩ là mọi đối tượng trên sáu tháng tuổi đều nên tiêm vaccin cúm, đặc biệt cần thiết với những người có nhiều nguy cơ như:
- trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi)
- người lớn trên 65 tuổi
- phụ nữ có thai hoặc trong vòng 2 tuần sau sinh
- tiền sử bệnh mạn tính làm suy giảm hệ miễn dịch
Hầu hết các bác sĩ cũng khuyên rằng nên tiêm vaccin cúm trước tháng 11 để cơ thể có thời gian tạo kháng thể trước khi mùa dịch cúm bắt đầu. Thường mất hai tuần để có thể tạo được kháng thể sau khi tiêm vaccin.
Thời gian diễn biến của cúm trong bao lâu?
Các triệu chứng cúm sẽ kết thúc trong vòng một tuần dù có thể người bệnh vẫn có cảm giác mệt mỏi. Thường cần thêm một vài ngày để đạt thể trạng khỏe mạnh hoàn toàn. Việc cách li tại nhà rất quan trọng cho đến khi hết sốt ít nhất 24 giờ (không sử dụng thuốc hạ sốt). Thời điểm có khả năng lây nhiễm là từ trước khi xuất hiện triệu chứng cúm một ngày đến 5 – 7 ngày sau đó.
Tác dụng phụ của vaccin cúm
Rất nhiều người không đồng ý tiêm vaccin vì triệu chứng sốt sau tiêm. Cần biết rằng vaccin cúm không thể khiến người tiêm mắc cúm vì trong vaccin chứa virus đã bị bất hoạt và mất khả năng gây bệnh cho người tiêm.
Mặc dù vậy có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như:
- đỏ, sưng, đau tại vị trí tiêm
- sốt nhẹ một vài ngày sau tiêm
- đau mỏi người
Hầu hết các triệu chứng này ở mức độ nhẹ và thường chỉ kéo dài một đến hai ngày. Phần lớn người được tiêm phòng không biểu hiện tác dụng phụ gì. Trong một số trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra phản ứng dị ứng nặng do vaccin. Cần thông báo với bác sĩ trước khi tiêm về tiền sử dị ứng với bất kì loại thuốc hay vaccin nào.
Các phương thức điều trị cúm
Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm đều là nhẹ và có thể điều trị tại nhà mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Cần tự cách li và tránh tiếp xúc với người khác khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu mắc cúm.
Bạn nên:
- Bù đủ dịch,uống nhiều nước, bao gồm nước, súp, các loại nước ít đường.
- Sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng như đau đầu, sốt
- Rửa tay, tránh lây nhiễm virus ra các bề mặt tiếp xúc hay người thân trong nhà
- Che miệng khi ho, hắt xì bằng khăn giấy và bỏ thùng rác ngay sau sử dụng
Nếu bệnh diễn biến xấu đi hãy đi khám bác sĩ. Bạn có thể được điều trị bằng các loại thuốc chống cúm. Thuốc cúm hiệu quả nhất khi được sử dụng sớm, tốt nhất là trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng khởi phát. Nếu nằm trong nhóm người có nguy cơ cao mắc cúm, liên hệ ngay với bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng. Các nhóm này bao gồm:
- người suy giảm hệ miễn dịch
- phụ nữ có thai hoặc trong vòng hai tuần đầu sau sinh
- người từ 65 tuổi trở lên
- trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi)
- bệnh nhân trong khu chăm sóc đặc biệt
- người mắc các bệnh mạn tính về tim, phổi
Bác sĩ sẽ sử dụng test cúm để chẩn đoán. Thuốc chống cúm có thể được sử dụng diều trị để ngăn ngừa diễn biến nặng.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây