Bé bị sốt kèm tiêu chảy – Nguyên nhân và cách xử lý
Tiêu chảy kèm sốt ở trẻ em là một tình trạng khá phổ biến mà nhiều bậc phụ huynh gặp phải trong quá trình chăm sóc con. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến sức khoẻ của em bé. Thế nên việc nắm được nguyên nhân và cách xử lý tình trạng bé bị sốt kèm tiêu chảy sẽ giúp quá trình nuôi dưỡng con dễ dàng hơn. Bố mẹ cùng tìm hiểu chi tiết về vấn đề này trong bài viết sau!
1. Nguyên nhân do đâu khiến bé bị sốt và tiêu chảy
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sốt và đi ngoài ở trẻ nhỏ. Dưới đây là một vài nguyên nhân thường được các bác sĩ ghi nhận.
Nhiễm virus và vi khuẩn
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bé bị sốt và tiêu chảy đó chính là do sự tấn công của các loại virus và vi khuẩn như Rotavirus, Salmonella, E.coli, và các loại vi khuẩn, virus khác. Những tác nhân này có thể lây lan qua thực phẩm, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc do trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh.
Bé bị sốt và đi ngoài do bị nhiễm vi khuẩn, virus
Rối loạn tiêu hoá do sữa
Sốt và đi ngoài ở trẻ nhỏ cũng có thể xuất phát từ việc thay đổi loại sữa mà trẻ đang sử dụng. Hệ tiêu hóa non yếu của trẻ chưa kịp thích nghi với thành phần mới trong sữa, dẫn đến rối loạn tiêu hóa và hấp thu. Điều này thường gặp ở trẻ nhạy cảm với các loại đạm trong sữa hoặc sữa công thức không phù hợp với cơ địa của trẻ.
Dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là một nguyên nhân thường gặp làm cho bé bị sốt và đi ngoài. Khi trẻ ăn phải những thực phẩm không phù hợp với cơ địa, hệ miễn dịch có thể phản ứng quá mức, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, sốt, hoặc nổi mẩn đỏ.
Các thực phẩm phổ biến dễ gây dị ứng cho trẻ ba mẹ nên để ý đó là:
Sữa bò: Một số trẻ không dung nạp lactose hoặc dị ứng với đạm sữa.
Hải sản: Như tôm, cua, cá…
Trứng và các loại hạt: Đặc biệt là đậu phộng hoặc hạnh nhân.
Sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn và kéo dài
Việc sử dụng kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dùng kéo dài là một nguyên nhân phổ biến khiến bé bị sốt kèm tiêu chảy. Kháng sinh có thể tiêu diệt không chỉ vi khuẩn gây bệnh mà còn làm mất cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Điều này dẫn đến rối loạn tiêu hóa và đôi khi đi kèm sốt và đi ngoài ở trẻ nhỏ.
2. Các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe của trẻ
Nếu tình trạng trẻ bị sốt và đi kèm tiêu chảy không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và sự phát triển ở trẻ. Các biến chứng thường thấy đó chính là
Trẻ rơi vào tình trạng mất nước cấp tính. Đây là biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất khi bé bị sốt kèm tiêu chảy. Cơ thể trẻ mất một lượng lớn nước và điện giải qua phân, khiến trẻ mệt mỏi, môi khô, mắt trũng sâu, da khô và giảm lượng nước tiểu. Nếu không bù nước kịp thời, trẻ có thể bị sốc và tổn thương cơ quan nội tạng.
Khiến trẻ bị suy dinh dưỡng do không hấp thụ được dưỡng chất cần thiết. Bé bị sốt kèm tiêu chảy sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch tự nhiên ở trẻ em.
Một số trẻ sau khi khỏi tiêu chảy có thể gặp các vấn đề đường ruột lâu dài như hội chứng ruột kích thích hoặc rối loạn tiêu hóa. Điều này xảy ra do tổn thương niêm mạc ruột trong quá trình nhiễm khuẩn. Gây nên khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn khiến cho trẻ dễ bị đau bụng hoặc đầy hơi gây khó chịu.
Môi khô nứt nẻ do bị mất nước khi trẻ bị sốt
3. Cách chăm sóc đúng khi trẻ bị sốt và tiêu chảy
Khi bé bị sốt, cơ thể trẻ sẽ trở nên mỏng manh yếu đuối hơn. Hơn nữa sốt và đi ngoài ở trẻ nhỏ gây suy nhược trầm trọng đến cơ thể của em bé. Vậy nên bố mẹ cần áp dụng các phương pháp sau đây để chăm sóc sức khoẻ của con trẻ một cách tốt hơn.
Bù nước và điện giải
Bổ sung nước các khoáng chất và điện giải là một trong những ưu tiên hàng đầu khi chăm sóc các em bé bị sốt, khiến em bé nhanh chóng và dễ dàng hồi phục hơn. Ba mẹ có thể pha dung dịch Oresol cho trẻ sử dụng. Lưu ý rằng hãy pha theo đúng hướng dẫn trên bao bì bởi nếu pha ít nước sẽ khiến tình trạng của trẻ trở nên nặng hơn.
Theo dõi sát sao thay đổi nhiệt độ và triệu chứng của trẻ
Việc theo dõi nhiệt độ và các triệu chứng khi bé bị sốt và tiêu chảy là bước quan trọng để bố mẹ đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Bố mẹ hãy theo dõi và đo nhiệt độ ít nhất 2–3 lần/ngày, đặc biệt khi trẻ có dấu hiệu sốt cao hoặc khó chịu. Đồng thời phụ huynh cũng nên ghi chép lại sự thay đổi về phân của trẻ và tần suất đi vệ sinh giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
Có chế độ ăn hợp lý cho trẻ
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi hệ tiêu hóa và cung cấp năng lượng khi bé bị sốt. Phụ huynh nên ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn mềm, và chia nhỏ bữa ăn thành 5–6 lần/ngày thay vì 3 bữa lớn để hệ tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng hơn. Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ gây khó tiêu.
Việc chăm sóc bé bị sốt kèm tiêu chảy đúng cách không chỉ giúp trẻ phục hồi nhanh chóng, mà còn ngăn ngừa các biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Thế nên phụ huynh cần theo dõi sát sao diễn biến bệnh và phối hợp với các y bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp, giúp em bé mau chóng khỏi bệnh.
Nguồn:
https://hongngochospital.vn/vi/di-ngoai-kem-theo-sot
https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/tre-bi-non-sot-di-ngoai-canh-giac-benh-tieu-chay-vi
https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/bi-sot-tieu-chay-la-trieu-chung-cua-benh-gi-vi