An toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân| Wellbeing
Nguyễn Thị Hiên| Điều phối Dự án Sơ cứu nhanh – Giành sự sống
Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing
An toàn hiện trường là yêu cầu đầu tiên của người cấp cứu. Trước khi tiến hành cấp cứu cần phải quan sát và loại bỏ hoặc tránh gây các nguy cơ tại hiện trường như cháy, nổ, điện, nước, chất độc, hóa chất, tai nạn…An toàn cho người chăm sóc và nạn nhân là áp dụng các kiến thức, hiểu biết, trang bị dụng cụ và các biện pháp cần thiết để bảo vệ cho người cấp cứu và khẩntrương sơ cấp cứu y tế cho nạn nhân.Việc đảm bảo an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân không chỉ giúp người cấp cứu có điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người gặp nạn, mà nó còn giúp giảm thiểu được những nguy cơ không lường trước cho cả nạn nhân và người cấp cứu.
1.Mục đích của việc đảm bảo an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân
Cấp cứu, giữ mạng sống của nạn nhân luôn ưu tiên hàng đầu, giảm chấn thương thêm, gia tăng khả năng hồi phục, cần tiến hành khẩn trương theo nguyên tắc tận dụng giờ vàng (Golden hours).
Các bước thao tác để bảo vệ cảnh báo hiện trường, an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân là những việc rất cần thiết, cần thực hiện nhanh trước khi cấp cứu nạn nhân. Vì nếu không an toàn cho người cấp cứu thì bạn không thể cứu được ai cả.
2.Các bước đảm bảo an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân
2.1.Bước 1: Thực hiện an toàn hiện trường
- Để coi và kiểm tra sơ nạn nhân trước hết cần khảo sát nhanh hiện trường xung quanh để đảm bảo sự an toàn.
- Cần loại bỏ ngay các mối nguy hiểm từ hiện trường như cháy, nổ, điện giật, khí gas, hóa chất, sập nhà, đổ tường, tai nạn ... Các mối nguy hiểm từ con người tại hiện trường (kể cả nạn nhân) như chất thải, máu có thể là tác nhân lây nhiễm như bệnh HIV, viêm gan ... Nếu không đủ khả năng thì kêu gọi trợ giúp và chờ những người có chuyên môn xử trí đến giải quyết.
-Khi hiện trường đã an toàn cần nhanh chóng coi và kiểm tra sơ bộ nạn nhân, tìm hiểu nhanh tình huống, nguyên nhân xảy ra, không được vội vàng di chuyển nạn nhân trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.
2.2.Bước 2: Gọi số cấp cứu 115
- Sau khi kiểm tra nạn nhân, hãy chỉ định một người thực hiện cuộc gọi cấp cứu theo số 115. Nếu bạn là người duy nhất ở đó ngoài nạn nhân thì bạn hãy là người gọi cấp cứu. Cần nói rõ vị trí hiện tại, mô tả bệnh nhân. Sau khi thực hiện cuộc gọi, hãy bình tĩnh chăm sóc tốt nhất có thể cho nạn nhân.
2.3.Bước 3: Thực hiện an toàn cho người cấp cứu
- Trước hết phải bình tĩnh, cố gắng giải tán đám đông, chấn an những người xung quanh và nạn nhân. Khi cần có thể yêu cầu một số người cùng giúp đỡ giải quyết an toàn hiện trường.
- Cần cách ly ngay đường điện đứt, rơi, lộ trần trong khu vực tai nạn, cháy nổ, rò rỉ gas, hóa chất ...
- Tai nạn giao thông: nhờ người cảnh báo đoạn đường phía trước và sau tai nạn.
- Những mối nguy hiểm đặc biệt mà bạn không thể giảm thiểu được như vật nặng rơi xuống, tòa nhà cháy ... thì hãy tránh xa và gọi các dịch vụ khẩn cấp trợ giúp, nhớ rằng không bao giờ được đặt bản thân bạn vào nguy hiểm.
2.4.Bước 4: An toàn cho nạn nhân
2.4.1. Các yếu tố cần kiểm tra
Thăm khám ban đầu cho nạn nhân: Bắt đầu bằng cách thăm khám theo trình tự A,B,C,D,E
- Đường thở (A: Airway): trước hết cần nhận biết nạn nhân tỉnh, còn tiếp xúc được không, nếu đường thở tắc nghẽn cần mở miệng kiểm tra xem có đờm dãi, dị vật thì phải móc lấy sạch. Nếu có tụt lưỡi cần tiến hành kéo lưỡi, nâng cằm, đẩy hàm, giữ cho đường thở thẳng trục, đảm bảo thông khí.
- Hô hấp (B: Breathing): nếu có ngừng thở, tím tái phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo miệng-miệng hoặc miệng-mũi.
- Tuần hoàn (C: Circulation): kiểm tra mạch cổ tay hoặc mạch bẹn, nếu có vết thương chảy máu cần băng ép ngay. Nạn nhân có dấu hiệu lơ mơ, da nhợt, vã mồ hôi là dấu hiệu shock mất máu cần hồi sức ngay bằng dịch truyền, thở oxy nếu có điều kiện. Trường hợp nạn nhân có ngừng tim cần tiến hành ép tim ngoài lồng
ngực phối hợp với hô hấp nhân tạo.
- Thần kinh (D: Disability): kiểm tra xem có mê hoặc liệt vận động không. Nếu nạn nhân đã hôn mê sâu cần cho thở oxy và vận chuyển sớm đến cơ sở y tế. Bộc lộ toàn thân (E: Exposure): Để xác định vị trí các thương tổn còn chưa rõ, nếu nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ hoặc thắt lưng cần bất động trên ván cứng, ở phụ nữ cần lưu ý xem có thai hay không.
2.4.2. Các bước kiểm tra
Sau khi hiện trường đã được đảm bảo an toàn và chắc chắn không có yêu tố nguy hiểm nào đe dọa đến bạn và nạn nhân, bạn hãy thực hiện các bước kiểm tra sau đây:
Bước 1:R- Reponse- Kiểm tra phản ứng của nạn nhân
Kiểm tra đáp ứng của nạn nhân. Nhẹ nhàng lắc vai của nạn nhân, và nói chuyện với anh ta. Nếu không có đáp ứng, hãy chuyển sang bước tiếp theo.
Ví dụ: Chị H ơi, Anh B ơi,...
Lưu ý :
Không vỗ vào các vị trí như mặt nạn nhân, tay nạn nhân, tránh trường hợp nạn nhân bị tổn thương về xương
Nên gọi nạn nhân bằng tên của họ nếu biết.
Bước 2: S- Send- Gọi hỗ trợ
Gọi người xung quanh hỗ trợ cấp cứu
Gọi cấp cứu 115
Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất
Cung cấp thông tin bao gồm:
+ Nguyên nhân
+ Hiện trường có mấy nạn nhân?
+ Tình trạng nạn nhânYêu cầu với người gọi:
- Câu từ rõ ràng, ngắn gọn và chính xác
- Thông tin cung cấp đầy đủ:
+ Thông tin hiện trường: vị trí, địa chỉ, đường đi…
+ Thông tin tại nạn: loại tai nạn, tính chất nghiêm trọng của tai nạn
+ Thông tin về nạn nhân: số lượng, giới tính, tuổi, các tổn thương, tình trạng nạn nhân …
+ Thông tin về các nguy hiểm: khí độc, chất nổ …
+ Thông tin để liên lạc: tên của bạn, số điện thoại…Nguyên tắc: Chỉ đặt máy sau khi 115 đã gác máy
Bước 3: C - Circulation – Kiểm tra Tuần hoàn
Đánh giá tuần hoàn dựa vào bắt mạch ngoại vi ở cổ tay, vùng cổ hay bẹn. Nếu khó bắt hoặc không bắt được thì nạn nhân trong tình trạng sốc nặng, có thể sắp ngừng tim. Các biện pháp cầm máu như băng ép hoặc ép chặt vào chỗ đang chảy máu bằng quần áo hoặc băng gạc sạch vô khuẩn càng tốt, giữ nguyên cho đến khi nhân viên y tế đến, tuyệt đối không bỏ tay đang giữ ép ra hoặc bỏ gạc đang giữ để thay gạc mới sẽ làm cho máu chảy càng mạnh hơn và khó cầm.
Ngoài ra cần nâng cao chi chảy máu sao với mức tim và giữ nguyên sẽ có tác dụng làm cho máu dồn về tim, não. Chỉ đặt garo nếu chi đã cắt cụt và còn đang tiếp tục chảy máu.
Trường hợp nạn nhân có ngừng tim cần tiến hành hồi sức tim phổi bằng ép tim ngoài lồng ngực. Ép tim ngoài lồng ngực với tần số 100-120 lần/phút. Sau khi ép tim 30 lần cần thổi ngạt cho nạn nhân 2 lần. Tiến hành 2 người là tốt nhất, một người ép tim, một người thổi ngạt, và có thể thay phiên nhau.
Bước 4: A- Airway- Kiểm tra đường thở
Nếu nạn nhân tỉnh táo và nói chuyện với bạn, điều này có cho thấy đường thở của họ thông thoáng và họ đang thở được. Nhịp thở có thể nhanh, chậm, dễ dàng hoặc khó khăn. Đánh giá và xử lý bất kỳ vấn đề nào được nhận thấy nào.
Mở đường thở của nạn nhân: Đặt một tay lên trán và nhẹ nhàng ngửa đầu nạn nhân – mở miệng nạn nhân. Đặt các đầu ngón tay của bạn lên cằm nạn nhân và nâng cằm lên
Kiểm tra nhịp thở: đặt tai của bạn gần miệng và mũi của nạn nhân để bạn có thể và quan sát được ngực nạn nhân. Hãy nhìn, lắng nghe và cảm thấy hơi thở trong vòng không quá 10 giây. Nếu nạn nhân không thở, hãy gọi 999/112 để được giúp đỡ khẩn cấp, sau đó bắt đầu ép tim.
Bước 5: B- Breathing- Kiểm tra đường hô hấp
Kiểm tra mạch đập của nạn nhân. Đặt hai ngón tay vào cổ tay hoặc ngay dưới góc hàm. Nếu không có mạch đập từ nạn nhân, thực hiện hồi sức tim phổi CPR
3.Một số lưu ý trong việc đảm bảo an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân
3.1.Lưu ý an toàn khác cho nạn nhân
- Vấn đề tháo bỏ mũ bảo hiểm: khuyên không nên thực hiện tại hiện trường nếu nạn nhân không khó thở, không cần can thiệt vào đường thở hoặc hồi sức tim phổi. Trường hợp cần thiết cần tiến hành an toàn gốm 2 thì tháo mũ và đặt nẹp cố định cột sống cổ. Cả 2 thì đều cần 2 người, 1 người ở sau đầu và 1 người ở bên đầu phối hợp thực hiện.
- Ghi chép thông tin cá nhân: họ, tên, tuổi, địa chỉ, điện thoại ... của nạn nhânđể lưu hồ sơ cấp cứu.
3.2. Câu hỏi dạng AMPLE giúp cho nắm thông tin nạn nhân để cấp cứu
Câu hỏi dạng AMPLE là những câu hỏi giúp người cấp cứu có những thông tin nạn nhân để lưu ý hoặc truyền tải lại cho lực lượng y tế trong quá trình hỗ trợ nạn nhân.
Bạn có dị ứng (Allergy-A) với thuốc gì không?
Bạn có đang dùng thuốc (Medicatión-M) gì không?
Tiền sử bệnh tật (Past medical history-P)?
Bữa ăn cuối gần đây từ khi nào (Last meal-L)?
Do đâu mà bạn bị tai nạn (Events-E)?
Trên đây là những nội dung liên quan của việc đảm bảo an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích và thiết thực nhất.
Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây
Xem thêm:
DRSCAB - Nguyên tắc sơ cấp cứu bạn bắt buộc phải nhớ
Hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ trên một tuổi bất tỉnh - kỹ thuật cha mẹ phải biết!