Các khóa học đã đăng ký

Ăn phải thịt chó dại – liệu có bị lây bệnh dại | Wellbeing

Bài viết được viết bởi Phạm Hải Anh | Chuyên viên tập huấn dự án Sơ cứu nhanh - Giành sự sống

Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing

an-thit-cho-wellbeing

Thịt chó là một trong những món ăn khoái khẩu của nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là nam giới. Tuy nhiên, chó lại là loài động vật chính lây truyền bệnh dại. Vậy ăn phải thịt chó dại liệu có bị nhiễm bệnh dại?

I. Bệnh dại có thể lây nhiễm qua quá trình giết mổ

Virus dại thuộc họ Rhabdovirus, dễ bị bất hoạt bởi nhiệt độ (56oC trong 30 phút, 70oC trong 2 phút), dễ bị phá hủy bởi các chất hòa tan lipid (như xà phòng, acetone), rất nhạy cảm với tia cực tím và bị bất hoạt nhanh chóng trong dung dịch cồn, cồn I- ốt. Như vậy trong trường hợp thịt chó khi được nấu chín hoàn toàn thì vi-rút dại đã được tiêu diệt và không thể gây bệnh cho người sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến và giết mổ thịt sống, vi-rút dại trong nước bọt của chó mang bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể người mổ qua các vết thương hở và gây bệnh.

II. Các biểu hiện đặc trưng của bệnh dại

- Trước khi xuất hiện cơn dại từ 2-4 ngày, nạn nhân có những thay đổi về tính tình như rối loạn giấc ngủ, bồn chồn, buồn bã,… Thậm chí tìm cách xa lánh hoặc cách ly người xung quanh. Nơi bị cắn có thể tê bì, nhức, co cứng cơ,.. Một số biểu hiện khác như chán ăn, mệt mỏi, sốt, đau mỏi cơ bắp.

- Khi phát bệnh dại có 2 thể chính là thể hung dữ và và thể liệt.

+ Thể hung dữ: là thể hay gặp nhất, chiếm 80% số người mắc bệnh dại. Nạn nhân có rối loạn hô hấp: Thở dồn dập không đều, thở dài hoặc nói nhiều, nói đứt hơi hổn hển. Sợ nước và sợ gió: Người bệnh không dám uống nước mặc dù đói khát và sợ quạt gió mặc dù thời tiết nóng bức. Ngườ bệnh sợ ánh sáng và tiếng động nên hay nấp vào chỗ tối, yên tĩnh. Rối loạn thần kinh thực vật: da xanh tái vã mồ hôi, đồng tử giãn hoặc không đều 2 bên. Tăng tết nước bọt đi kèm sợ nước làm người bệnh khạc nhổ liên tục. Tinh thần nạn nhân hoàn toàn tỉnh táo trong giai đoạn đầu, về sau có thể giãy dụa, đập phá, kêu rú rồi đi vào hôn mê. Cương đau dương vật và xuất tinh tự nhiên là biểu hiện hay gặp ở nam giới. Trong vòng 2-6 ngày kể từ khi lên cơn dại, người bệnh tử vong do ngừng thở và ngừng tim.

+ Thể liệt: Thể này dễ bị bỏ qua và chiếm khoảng 20% các trường hợp. Thường xuất hiện kiểu liệt từ chân lan dần lên trên, cuối cùng liệt các cơ hô hấp và tử vong. Lúc đầu nạn nhân đau dọc xương sống, đau 2 chân, đi yếu rồi liệt, bí đại tiểu tiện, bụng chướng dần, liệt các cơ hô hấp, liệt tay, nuốt sặc, liệt hành tủy và tử vong.

III. Sử dụng thuốc nam điều trị có hiệu quả không?

- Không phải 100% số người bị cắn hay tiếp xúc với nguồn bệnh đều phát bệnh dại. Nguy cơ bệnh lây nhiễm tùy thuộc lượng vi-rút trong nước bọt nhiều hay ít, vết thương sâu hay nông.

- Các biện pháp thử bằng mẹo, điều trị thuốc nam đến nay chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định mang lạ hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại. Chính vì vậy, nếu một người bị chó cắn hay từng tiếp xúc vết thương với dịch nước bọt của con chó nghi ngờ bị dại cần rửa vết thương ngay với xà phòng, và dưới vòi nước chảy liên tục. Sau đó rửa bằng nước muối sinh lý 0,9%; bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn I-ốt đặc và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Để nắm rõ hơn các kỹ năng sơ cứu trong các tình huống khẩn cấp, bệnh thường gặp, quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin tại các Khoá học từ Wellbeing: Tại Đây


Cũ hơn Mới hơn


X
Hỏi-đáp
Đăng ký ngay